Thứ Tư, 13/02/2019, 14:17 (GMT+7)
.

Đừng chủ quan với bệnh sởi và rubella

Bệnh sởi bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố; đồng thời, xảy ra một số trường hợp tử vong là điều khiến người dân lo ngại. Riêng tại Tiền Giang, trong năm 2018 và thời điểm đầu năm 2019, số bệnh nhân mắc bệnh sởi không nhiều.

Tuy nhiên, sự quay trở lại của bệnh sởi là điều đáng quan tâm. Thực hiện Quyết định của Bộ Y tế về việc triển khai Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi ở vùng có nguy cơ cao năm 2018 - 2019, vào ngày 14-2, Tiền Giang sẽ triển khai chiến dịch tại 5 địa phương của tỉnh thuộc vùng có nguy cơ cao là TP. Mỹ Tho và các huyện Cái Bè, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông, với dự kiến sẽ có trên 60.500 trẻ được tiêm trong đợt này.

Tiêm chủng là việc làm cần thiết để bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi và rubella.
Tiêm chủng là việc làm cần thiết để bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi và rubella.

NHỮNG LO NGẠI VỀ BỆNH SỞI VÀ RUBELLA

Sởi và rubella đều là bệnh do vi rút gây ra và có biểu hiện là sốt phát ban. Mức độ nguy hiểm của 2 căn bệnh này là khi biến chứng sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như: Tàn phế, tử vong. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, sởi và rubella chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, tiêm ngừa sẽ là giải pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi và rubella.

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ từ 1 tuổi trở lên, thời gian nung bệnh từ 7 - 10 ngày. Bệnh khởi phát trong 2 - 3 ngày, với các triệu chứng như: Sốt đột ngột từ 380C trở lên, mắt ướt, ho, chảy nước mũi, tiêu chảy... Khi bệnh toàn phát thì sốt cao từ 38,5 - 390C, li bì, mệt mỏi, xuất hiện các ban sởi dày, mịn đầu tiên ở sau tai, lan ra mặt, cổ xuống thân mình, tứ chi trong 1 - 2 ngày.

Bệnh sẽ lui dần khi hết sốt, ban tan dần theo trình tự mọc và để lại vết thâm trên da. Bệnh sởi hay để lại nhiều biến chứng khi bệnh toàn phát hoặc lui bệnh như: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm răng lợi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, viêm loét giác mạc và có thể gây tử vong, nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi.

Bệnh rubella có những biểu hiện khác với bệnh sởi, thường phát triển mạnh vào mùa đông - xuân. Bệnh xuất hiện từ nhiều năm nay ở Việt Nam, tuy nhiên trước đây bệnh ít được chú ý, vì có các triệu chứng, thời điểm bùng phát giống với bệnh sởi và thường được thống kê chung với bệnh sởi.

Bệnh rubella lây nhiễm qua đường hô hấp, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thời gian nung bệnh từ 12 - 14 ngày và khởi phát với các triệu chứng sốt nhẹ, các dấu hiệu mắt ướt, ho, chảy nước mũi, phân lỏng...

Những triệu chứng này thường là không nhận thấy. Khi bệnh toàn phát, các biểu hiện của bệnh mới thấy rõ như: Mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước dãi và rõ ràng nhất là nổi mẩn đỏ trên da giống như bệnh sởi. Các nốt ban trên da dạng chấm đỏ rải rác, mọc không có quy luật và có thể thấy đau khớp.

Khi bệnh rubella thuyên giảm dần sẽ kéo theo hết sốt, ban tan nhanh không theo quy luật, không để lại các dấu vết trên da. Các biến chứng của rubella chủ yếu là đau và sưng khớp, nhất là ở phụ nữ cao tuổi (chiếm 70%), viêm não, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm thần kinh, gây dị dạng thai nhi ở phụ nữ có thai. Phụ nữ mắc bệnh rubella khi đang mang thai có khả năng sinh con bị các bệnh, dị tật bẩm sinh như: Các bệnh tim bẩm sinh, bệnh đầu nhỏ, chậm phát triển tâm thần, đục thủy tinh thể, điếc, các tổn thương xương dài...

Rubella là bệnh nhẹ, diễn biến lành tính, tỷ lệ tử vong và biến chứng rất thấp. Tuy nhiên, bệnh rubella lại đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Bệnh có thể gây sẩy thai, dị tật thai nhi và gây bệnh rubella bẩm sinh ở trẻ mới sinh. Những trẻ mắc bệnh rubella bẩm sinh dễ gặp các biến chứng nặng nề như: Bại não, tổn thương phổi, mù mắt...

Một số nước có quy định bắt buộc phá thai nếu người mẹ mắc bệnh rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Bệnh rubella hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách chữa bệnh chủ yếu vẫn là cho bệnh nhân nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và dùng các thuốc nâng cao thể trạng, đặc biệt là vitamin để tăng khả năng chống đỡ của cơ thể.

CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH

Theo WTO, hiện tại không có cách chữa trị bệnh sởi và rubella đặc hiệu, mà chỉ điều trị triệu chứng. Tiêm ngừa vắc xin sởi - rubella được cho là biện pháp bảo vệ tốt nhất khỏi 2 căn bệnh này.

Vắc xin sởi - rubella là vắc xin kết hợp nhằm bảo vệ chống cả sởi lẫn rubella. Vắc xin sử dụng trong Chiến dịch tiêm chủng sởi và rubella toàn quốc ở Việt Nam được sản xuất bởi Viện Serum tại Ấn Độ. Vắc xin đã được kiểm tra tiêu chuẩn bởi WHO, với sự tài trợ của Liên minh Gavi và mua bởi Unicef cho Việt Nam. Vắc xin sởi -

rubella đã được sử dụng an toàn ở nhiều quốc gia trên thế giới, có hiệu quả tới 95% trong việc phòng ngừa bệnh sởi và rubella. Loại vắc xin này đã được Bộ Y tế phê duyệt đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng toàn quốc đối với trẻ 18 tháng tuổi.

Tác dụng phụ thường thấy sau khi tiêm vắc xin sởi - rubella là sốt nhẹ, phát ban, sưng nhẹ và đau tại chỗ tiêm trong vòng 24 giờ sau tiêm. Những tác dụng phụ này đều hết sức bình thường và sẽ biến mất trong vòng vài ngày. Với hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ phục hồi trong vòng 2 - 3 ngày mà không cần chăm sóc y tế. Rất hiếm gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng sau tiêm chủng.

Tuy nhiên, theo lời khuyên của bác sĩ đối với phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm chủng là cần đảm bảo trẻ đã được ăn trước khi tiêm. Bên cạnh đó, các phụ huynh cần cung cấp tình hình sức khỏe hiện tại của trẻ với nhân viên y tế; đồng thời, thông báo bất kỳ bệnh hoặc thuốc uống gần đây của trẻ nếu có.

Phụ huynh phải thông báo các khuyết tật bẩm sinh, lịch sử sinh non, dị ứng hoặc bất kỳ phản ứng mạnh nào trong những lần tiêm vắc xin trước đó của trẻ như: Sốt cao, phát ban, sưng tại chỗ tiêm...

Phụ huynh cũng cần hỏi nhân viên tiêm chủng về cách giám sát và chăm sóc trẻ sau khi tiêm chủng. Đặc biệt, sau khi tiêm ngừa, trẻ phải được lưu lại nơi tiêm chủng ít nhất 30 phút để được giám sát tác dụng phụ có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng của trẻ với vắc xin; tiếp tục theo dõi trẻ trong vòng 24 giờ sau.

Đặc biệt, ngoài đối tượng trẻ em, WHO khuyến cáo, phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm ngừa rubella trước thời điểm mang thai 6 tháng. Đây là việc làm hết sức cần thiết để phòng ngừa nhiễm rubella trong thai kỳ tránh dẫn đến những tác hại đáng tiếc.

THỦY HÀ

.
.
.