Thứ Sáu, 17/05/2019, 21:47 (GMT+7)
.

Bạn đã biết cách sử dụng kháng sinh và kháng viêm hợp lý?

Làm thế nào để có thể sử dụng kháng sinh và kháng viêm một cách hợp lý nhằm phòng ngừa tình trạng đề kháng kháng sinh và lạm dụng kháng viêm?

Sổ mũi, hắt hơi, đau rát cổ họng là triệu chứng ai cũng phải trải qua trong đời. Các triệu chứng trên có thể gợi ý bạn đang mắc các bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn tai mũi họng. Để điều trị các tình trạng này, kháng sinh và kháng viêm là hai loại thuốc thường được sử dụng.

Tuy nhiên, không phải cứ gặp các triệu chứng trên là phải uống thuốc kháng sinh hay kháng viêm vì đa số các trường hợp bệnh lý trên là do virus, trong khi kháng sinh chỉ có tác dụng trên vi khuẩn và kháng viêm chỉ giúp làm giảm triệu chứng tức thời. 

Ngày nay, khi mắc các bệnh lý tai mũi họng thông thường… nhiều người thường ra nhà thuốc và tự ý mua kháng sinh, kháng viêm điều trị trong khoảng 2-3 ngày. Thế nhưng, việc uống kháng sinh, kháng viêm chỉ 2 – 3 ngày không thể giúp bạn khỏi bệnh, mà còn có thể khiến bệnh kéo dài hoặc tái phát dai dẳng.

Tình trạng lạm dụng thuốc lâu dài có thể dẫn đến nguy cơ đề kháng kháng sinh hoặc mắc phải các tác dụng phụ của thuốc kháng viêm. Vì sức khỏe của chính mình hãy đến thăm khám bác sĩ và tư vấn với dược sĩ để hiểu và sử dụng kháng sinh, kháng viêm một cách hợp lý. 

Dùng thuốc kháng sinh sao cho đúng?

Việt Nam hiện có tỷ lệ kháng kháng sinh thuộc hàng cao nhất châu Á, với nhiễm trùng đa kháng thuốc gây ra hàng ngàn ca tử vong mỗi năm. Điều này là do nhiều người chưa có ý thức về việc sử dụng kháng sinh đúng cách. 

Thuốc kháng sinh là thuốc dùng để chống nhiễm trùng do vi khuẩn bằng cách tiêu diệt hoặc làm giảm sự phát triển của vi khuẩn. Kháng sinh được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1936.

Trước khi thuốc kháng sinh ra đời, có 30% số ca tử vong là do nhiễm khuẩn. Nhờ thuốc kháng sinh, nhiều bệnh nhiễm trùng gây ra những ca tử vong trước đây có thể chữa được. Ngày nay, thuốc kháng sinh vẫn là loại thuốc mạnh mẽ, cứu sống được nhiều người bị nhiễm trùng nghiêm trọng. 

Dùng kháng sinh mất bao lâu mới khỏi bệnh?

Thuốc kháng sinh bắt đầu hoạt động ngay sau khi bạn bắt đầu dùng chúng. Tuy nhiên, bạn có thể không cảm thấy khỏe hơn ngay trong 2 – 3 ngày đầu. Khó xác định được dùng kháng sinh trong bao lâu mới có thể hết bệnh vì điều đó tùy thuộc vào loại bệnh lý nhiễm khuẩn mà bạn đang điều trị.

Đa số các loại kháng sinh nên được dùng trong 7 – 14 ngày, với một số kháng sinh thế hệ mới có thể rút ngắn thời gian xuống còn 3-5 ngày cho các nhiễm khuẩn đường hô hấp. Bác sĩ sẽ quyết định thời gian điều trị tốt nhất và loại kháng sinh chính xác cho bạn.

Lưu ý khi dùng kháng sinh

Dù bạn cảm thấy sức khỏe tốt hơn sau vài ngày dùng thuốc, nhưng bạn vẫn nên tiếp tục uống toàn bộ số thuốc đã được kê, không nên tự ý ngưng thuốc.

Việc tự ý dừng kháng sinh sớm có thể khiến bệnh dễ tái phát và dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh. Vì vậy, điều bạn cần làm khi sử dụng kháng sinh là tuân thủ uống đúng và đủ liều lượng mà bác sĩ đã kê toa. 

Không chỉ tự chẩn bệnh cho bản thân, tâm lý khuyên người khác dùng kháng sinh cũng rất phổ biến trong cộng đồng. Hành động này không chỉ “hại mình mà hại luôn cả người”.

Việc lạm dụng, tuỳ tiện dùng kháng sinh còn có thể khiến bệnh nhân bị tác dụng phụ như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa,…, dị ứng, thậm chí độc tính trên gan, thận, xương khớp, máu… Thói quen dùng kháng sinh này còn khiến tình trạng “lờn thuốc” (đề kháng kháng sinh) ở mức cao tại Việt Nam trở nên trầm trọng hơn.

Thuốc kháng viêm là gì, có tác dụng như thế nào? 

Viêm là phản ứng miễn dịch của cơ thể, nhằm tiêu diệt các tác nhân được cơ thể xem là “ngoại lai”, có thể gây nguy hại. Do đó, bạn có thể thấy viêm xuất hiện trong hầu hết các tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm virus hay dị ứng.

Đây là một phản ứng có lợi, tuy nhiên, khi viêm kéo dài hoặc diễn ra một cách rầm rộ với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng này của bệnh nhân.

Vì vậy, thuốc kháng viêm thường được chỉ định để kiểm soát và rút ngắn thời gian của quá trình viêm. Thuốc kháng viêm được chia làm 3 nhóm chính, nhóm thuốc kháng viêm dạng men (enzyme), thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID) và nhóm kháng viêm corticoid.

Trong đó, nhóm thuốc kháng viêm corticoid có tác dụng kháng viêm mạnh nhất và được sử dụng khá phổ biến tại nhà thuốc cho các bệnh lý nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm mũi dị ứng, viêm phổi, hen-phế quản, thuyên tắc phổi mãn tính hay các trường hợp dị ứng với thức ăn và mỹ phẩm.  

Thuốc kháng viêm có thể gây nguy hại gì nếu không dùng đúng?

Các corticoid được “mô phỏng” theo cortisol, là một chất tự nhiên trong cơ thể, với các vai trò sinh lý quan trọng và tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng, ức chế miễn dịch.

Sử dụng corticoid không đúng cách có thể làm rối loạn các quá trình sinh lý được điều hòa bởi cortisol và gây ra các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng như gây loãng xương, loét dạ dày, suy tuyến thượng thận, rối loạn điện giải, rối loạn phân bố mỡ cũng như tăng nguy cơ cho các bệnh lý tim mạch.

Corticoid được xem là ví dụ điển hình về con dao 2 lưỡi nếu sử dung không đúng. Các tác dụng phụ của corticoid thường do dùng kéo dài hoặc ngừng điều trị đột ngột. 

Điều bạn cần làm là gì?

Đọc kỹ trên bao bì và tờ hướng dẫn để dùng đúng liều lượng. Khi nghi ngờ, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin và dùng đúng cách hơn.

Trao đổi với nhân viên y tế về các biện pháp giảm thiểu nguy cơ như chế độ ăn, thói quen sinh hoạt, luyện tập và chăm sóc sức khỏe. Theo dõi các tác dụng không mong muốn của thuốc và báo ngay cho nhân viên y tế để có những hướng dẫn phù hợp.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.