Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Tính đến giữa tháng 4-2019, trên địa bàn TP. Mỹ Tho đã xảy ra 80 trường hợp bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue, tăng 263,6% so cùng kỳ năm 2018 và đã có 1 trường hợp tử vong (bệnh nhi 10 tháng tuổi ).
Theo ngành Y tế TP. Mỹ Tho, bệnh SXH trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến bất thường, ngay trong tháng đầu năm 2019 đã có số ca mắc cao và số ca mắc hằng tuần trung bình từ 4 - 5 trường hợp. Đến nay, bệnh SXH đã xảy ra 15/17 phường, xã (phường 2 và xã Thới Sơn không phát hiện ca bệnh).
Cán bộ y tế khu phố, ấp kiểm tra lăng quăng, phòng bệnh SXH. |
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân (BCĐ) TP. Mỹ Tho và các phường, xã đã tập trung phòng, chống dịch SXH; tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, thực hiện các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ như: Phân công từng thành viên trong BCĐ theo dõi, giám sát, tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại các ổ dịch nhỏ. Thành phố còn tổ chức thực hiện chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng tại các khu phố, ấp trọng điểm.
Theo đó, từ ngày 29 đến 31-3, các phường, xã trên địa bàn thành phố đồng loạt tổ chức ra quân thực hiện chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng, chống bệnh SXH Dengue và bệnh do virus Zika tại các khu phố, ấp trọng điểm năm 2019.
Trong thời gian diễn ra chiến dịch, 76 khu phố, ấp trọng điểm của 9 phường đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tổng vệ sinh tại khu vực dân cư, phát quang bụi rậm, dọn dẹp các vật chứa nước đọng; vận động nhân dân cùng thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng thường xuyên tại hộ gia đình, hướng dẫn người dân nhận biết các triệu chứng của bệnh, cách theo dõi và điều trị bệnh tại gia đình; đồng thời, nhận biết các dấu hiệu bệnh nặng cần nhập viện để được điều trị kịp thời...
Các phường, xã còn thường xuyên tổ chức vận động nhân dân tổng vệ sinh nhà ở và khu vực xung quanh; vận động nhân dân diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng, chống bệnh SXH. Ngành Y tế thành phố còn xử lý 100% ổ dịch nhỏ và phun hóa chất diệt muỗi để bảo vệ cho các hộ dân trên địa bàn…
Tuy TP. Mỹ Tho tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp trong phòng, chống dịch bệnh nhưng bệnh SXH trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp và bất thường. Nguyên nhân một phần do đặc điểm của thành phố là nơi tập trung đông dân, dân nhập cư nhiều, tỷ lệ biến động dân lớn là điều kiện thuận lợi dễ phát sinh bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan thành dịch; tình hình thời tiết phức tạp (đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị chuyển mùa) nên dễ phát sinh dịch bệnh... Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh chung, chưa thực hiện triệt để việc diệt lăng quăng, diệt muỗi... làm ảnh hưởng đến việc khống chế bệnh SXH.
Trong thời gian tới, để chủ động phòng, chống bệnh SXH, TP. Mỹ Tho tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Củng cố các BCĐ thành phố và phường, xã, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục y tế về phòng, chống bệnh SXH; tổ chức giám sát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm, dịch; giám sát đầy đủ các quy định về côn trùng; tiếp tục điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, các ca bệnh SXH. Thành phố sẽ triển khai thực hiện việc dập dịch các điểm nóng (nếu dịch bệnh phức tạp) nhằm khống chế ca bệnh SXH đến mức thấp nhất trên địa bàn thành phố.
THANH TÙNG