.

Bé 5 tuổi bị chó hàng xóm cắn thương tâm

Cập nhật: 16:37, 09/06/2019 (GMT+7)

(ABO)Tối ngày 5-6, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang đã tiếp nhận cháu bé B.T.T.T 5 tuổi, trú tại huyện Gò Công Tây nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, máu chảy nhiều và vùng đầu có nhiều vết thương do chó cắn.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng vết thương tróc da vùng đầu, rách mí trên mắt phải và nôn ói nhiều. Gia đình cho biết, cháu B.T.T.T qua nhà hàng xóm chơi, trong lúc bất cẩn cháu bị chó loại bẹc-giê, nặng khoảng 17 kg tấn công cắn vào vùng đầu, được biết chó nuôi trong gia đình này chưa  được chích ngừa dại cho vật nuôi.

Sau khi được cấp cứu, bệnh nhi đã được chuyển lên tuyến trên điều trị.

Bệnh nhi được bác sị khâu vết thương vùng đầu
Bệnh nhi được bác sĩ khâu vết thương vùng đầu.

Thời gian gần đây, nước ta xuất hiện nhiều trường hợp tai nạn thương tâm do chó cắn. Đặc biệt, khi mùa hè đến thì nguy cơ chó, mèo cắn gây ra bệnh dại cho trẻ em sẽ lớn hơn. Vì đây là thời gian nghỉ học, vui chơi của trẻ nên các bậc phụ huynh cần chú trọng vấn đề này, hạn chế cho con em trêu chọc, tiếp xúc nhiều với vật nuôi như chó, mèo.

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính hệ thống thần kinh trung ương, tác nhân gây bệnh là vi rút dại (Rhabdovirus) thuộc họ Rhabdoviridae. Bệnh dại lây truyền sang người từ các động vật như chó, mèo, dơi, chuột, động vật hoang dã... Hầu hết các trường hợp con người bị lây nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc khi được ghép tổ chức tạng từ người khác bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và con người đều có khả năng tử vong rất cao.

Một vài triệu chứng gợi ý ở người mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn là sốt, nhức đầu, mất ngủ, lo lắng, sợ nước, sợ gió, co giật, ảo giác, tê liệt. Một số triệu chứng gợi ý thú nuôi mắc bệnh dại là chảy nhiều nước bọt, sợ ánh sáng và âm thanh, ẩn nấp trong những nơi tối tăm, đi loạng choạng, chán ăn và co giật.

Trước tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tiếp xúc gần với những vật nuôi hung dữ, vật nuôi là thú cưng có khả năng gây ra tổn thương lớn, vết thương cho con người. Trong gia đình, căn hộ hạn chế nuôi, gần gũi các động vật như chó, mèo… Vì đây cũng chính là nguồn gây ra các loại bệnh dại, bệnh giun sán, bệnh uốn ván, chất gây dị ứng cho con người.

Nếu không may bị chó, mèo cắn, bất kể là chúng đang khỏe mạnh hay ốm, đã được tiêm phòng dại hay chưa, thì việc đầu tiên nạn nhân phải thực hiện sơ cứu là rửa ngay vết cắn bằng xà phòng hoặc với nước sạch trong vòng 15 phút.

Sau đó, cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i ốt hoặc povidone - iodine (nếu có). Lưu ý, chúng ta nên rửa nhẹ nhàng, tránh làm lở loét, tổn hại thêm vết thương. Nếu vết thương sâu, lớn, chảy máu nhiều thì phải rửa nhanh chóng, tránh tình trạng mất máu nhiều thêm.

Khi rửa xong, nếu máu vẫn còn chảy thì nâng cao vùng bị cắn để hạn chế chảy máu nhiều hơn nữa và cầm máu bằng bông gạc sạch. Sau khi sơ cứu xong, gia đình lập tức đưa nạn nhân đến trung tâm y tế để các bác sĩ khám từng trường hợp, xem xét quyết định chích ngừa dại, huyết thanh kháng dại và uốn ván hay không, tùy thuộc vào tình trạng của vật nuôi và vị trí vết cắn, tình trạng tiêm chủng của nạn nhân.

Để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, các hộ gia đình nên tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; không thả rông chó, mèo ngoài công cộng; khi dắt chó, mèo ra đường phải được rọ mõm cẩn thận; không đùa nghịch, trêu chọc chó mèo và tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh khi có dấu hiệu bệnh dại.

                             PHAN ĐÓN - QUANG THÀNH

 

 

 

.
.
.