Thứ Năm, 20/06/2019, 20:09 (GMT+7)
.

Khói thuốc lá - "sát thủ" vô hình

Khói thuốc lá là “sát thủ” vô hình, giết người thầm lặng, là tác nhân gây ra biết bao bệnh tật. Do đó, mọi người cần phải chung tay, góp phần vào việc xây dựng môi trường trong lành không có khói thuốc lá độc hại, thể hiện trách nhiệm đối với việc bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hội thi Tìm hiểu về tác hại thuốc lá.
Hội thi Tìm hiểu về tác hại thuốc lá.

TÁC HẠI CỦA HÚT THUỐC LÁ

Cứ hút mỗi điếu thuốc lá là tự mình làm mất đi 5,5 giây cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc lá ngắn hơn so với người không hút thuốc lá từ 5 - 8 năm. Hút thuốc lá sẽ gây ra nhiều bệnh và làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 - 80%. Khói thuốc lá với hơn 7.000 độc chất hóa học (trong đó có hơn 70 chất gây ra ung thư) không chỉ gây độc cho cơ thể người hút thuốc lá mà còn cho người hút thuốc thụ động, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em, người già và phụ nữ. Những chất độc này gây ra những bệnh trên hầu hết các cơ quan của cơ thể.

Khói thuốc lá liên quan đến 90% số ca bệnh ung thư phổi, 75% số ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% số ca bệnh tim do thiếu máu cục bộ. Các chất độc trong khói thuốc lá còn gây ra các bệnh lý khác như rụng tóc, đục thủy tinh thể, viêm nướu răng, ung thư miệng, viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, viêm loét dạ dày - tá tràng, bất lực, sinh non, xảy thai, thuyên tắc mạch các chi… Có thể nói rằng, từ đầu đến chân của cơ thể con người, không có nơi nào mà không bị ảnh hưởng từ các chất độc hại của khói thuốc lá.

Ở một thái cực khác, hiện nay, số người hút thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng vì cho rằng, hút thuốc lá, thuốc lào mới có hại chứ thuốc lá điện tử không gây hại. Do đó, nhiều người đã bỏ hút thuốc lá mà chuyển sang hút thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, nicotin trong khói thuốc lá điện tử nguy hiểm chẳng kém gì thuốc lá thông thường. Chất này vẫn gây viêm phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính, dễ gây ra biến chứng ung thư phổi.

Nicotin  bám lên thành mạch máu, mạch máu não, gây xơ vữa và giảm co giãn các mạch máu, nguy cơ gây ra đột qụy bởi nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não. Ngoài ra, các loại tinh dầu thuốc lá điện tử còn có hương thơm, với cấu tạo hóa học là các vòng benzene, một loại hóa chất độc hại thường  được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài, có khả năng gây ra các bệnh ung thư nguy hiểm.Thuốc lá điện tử cũng không giúp người nghiện cai thuốc lá, bởi nó vẫn có chất gây nghiện là nicotin.

Ngoài ra, mới đây Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an vừa phát hiện một loại ma túy rất mới được tẩm vào thuốc lào, thuốc lá và dung dịch thuốc lá điện tử. Loại ma túy này chứa đến 9 chất gây ảo giác cực mạnh nhưng lại không nằm trong danh mục các chất cấm ở nước ta hiện nay. Đây là một loại dung dịch sử dụng cho thuốc lá điện tử hay còn gọi là vape (có tên gọi là juice) và được bày bán công khai ngoài thị trường. Loại ma túy tổng hợp mới này không thể phân biệt bằng mắt thường mà phải giám định.

NỖ LỰC PHÒNG, CHỐNG

Cũng chính vì những tác hại của khói thuốc lá, từ năm 1987, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy ngày 31-5 hằng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Năm 2019, Ngày Thế giới không thuốc lá có chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”.

 Theo chủ đề này, WHO muốn thông tin đến cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về phổi; đồng thời, kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá. Có 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hằng năm trên thế giới là người hút thuốc lá.

Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Riêng tỉnh Tiền Giang đã rất tích cực trong việc phòng, chống tác hại thuốc lá. Cụ thể, tỉnh đã tiếp nhận và triển khai Dự án Truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá do Tổ chức Rockerfeller tài trợ thí điểm tại TP. Mỹ Tho từ năm 2005 đến 2007. Qua đánh giá kết thúc dự án cho thấy, tỷ lệ người dân hiểu biết đúng về thuốc lá có tăng lên, nhất là biết thế nào là hút thuốc lá thụ động; tỷ lệ người hút thuốc lá giảm, một số người đã tự nguyện bỏ hẳn thói quen hút thuốc lá…

Bên cạnh đó, Tiền Giang còn là 1 trong 3 tỉnh điểm được Bộ Y tế chọn để triển khai Dự án Xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc giai đoạn 2010 - 2012. Dự án thực hiện bao phủ bao gồm UBND tỉnh và tất cả các sở, ngành với 35 đơn vị và hơn 8.000 cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Tiền Giang cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành Chỉ thị về phòng, chống tác hại thuốc lá của UBND tỉnh vào năm 2007. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức mít tinh, tuần hành tuyên truyền hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá  và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá…

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá của cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức mà mọi người cần chung tay thực hiện để xây dựng môi trường trong lành không có khói thuốc lá

BSCKII TRẦN THANH THẢO

.
.
.