Thứ Ba, 02/07/2019, 16:21 (GMT+7)
.
BÁC SĨ CKII TRẦN THANH THẢO, GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ:

Không nên tẩy chay, nhưng cần cẩn trọng khi chọn mua thịt heo

(ABO) Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, đến ngày 30-6, bệnh tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 45 xã thuộc 4 huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy làm khoảng 10.800 con heo ở khu vực này mắc và phải tiêu hủy. Trước tình hình này, Bác sĩ CKII Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ xoay quanh việc sử dụng thịt heo làm thực phẩm của người nội trợ. Bác sĩ Thảo cho biết:

Về lý thuyết, bệnh tả ở heo không lây sang người. Tuy nhiên, khi heo bệnh có sức đề kháng yếu có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, thương hàn, lở mồm long móng, đặc biệt là nhiễm liên cầu khuẩn... Đây là những bệnh có thể lây lan sang người. Bên cạnh đó, việc chế biến heo bệnh, rồi đem phát tán rộng rãi dễ tạo thành dịch làm tuyệt chủng đàn heo.

BSCKII Trần Thanh Thảo khuyên người tiêu dùng thận trọng chọn lựa nguồn gốc thịt heo an toàn
Bác sĩ CKII Trần Thanh Thảo khuyên người tiêu dùng thận trọng chọn lựa nguồn thịt heo an toàn.

* Phóng viên (PV): Dịch tả ở heo không lây sang người, vậy heo bị tả thì có thể mổ thịt để ăn hoặc đem bán được hay không, thưa bác sĩ?

* BÁC SĨ CKII TRẦN THANH THẢO: Theo quy định của ngành Thú y thế giới và Cục Thú y Việt Nam, tất cả mọi vật nuôi bị bệnh đều không được sử dụng để làm thức ăn cho người, mà phải tiến hành tiêu hủy để tránh mầm bệnh lây lan.

Trên thực tế, ở bệnh tả heo, vi khuẩn tả sẽ chết ở 70 độ C. Điều này có nghĩa là nếu con heo chỉ mắc một loại bệnh tả và thịt heo được nấu chín, hoặc xẻ nhỏ luộc chín tại chỗ (tức là xử lý qua nhiệt) thì vẫn có thể ăn được. Nhưng thói quen của người dân Việt Nam là sử dụng thịt tươi. Một con heo bệnh vận chuyển đến đâu sẽ là nguồn lây lan cực kỳ nhanh cho đàn heo ở nơi đó. Hơn nữa, với điều kiện chăn nuôi ở nước ta, heo đã mắc bệnh tả thường dễ mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như đã nói ở trên.

Nguy hiểm nhất là bệnh liên cầu khuẩn ở heo, bởi bệnh này có thể lây nhiễm sang người gây tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời cho người mắc phải. Chính vì vậy, thật mạo hiểm tính mạng nếu ăn thịt heo bị bệnh vì chúng ta không thể nào phân biệt được heo chỉ nhiễm vi rút tả heo đơn thuần hay có nhiễm mầm bệnh khác.

* PV: Như vậy, bác sĩ có lời khuyên gì đối với người nội trợ trong việc tiêu dùng thịt heo hiện nay?

* BÁC SĨ CKII TRẦN THANH THẢO: Thịt heo là thực phẩm ngon, bổ dưỡng và được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam. Như đã nói ở trên, bệnh tả heo không trực tiếp lây sang người nên chúng ta không nên hoang mang và “tẩy chay” thịt heo khỏi bữa ăn. Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn thận, cảnh giác khi mua thịt heo trong mùa dịch.

BSCKII Trần Thanh Thảo kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể cho công nhân khu công nghiệp
Bác sĩ CKII Trần Thanh Thảo kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể cho công nhân khu công nghiệp.

Với người tiêu dùng, việc phát hiện heo bị bệnh tả khá khó khăn, bởi các biểu hiện bệnh thường chỉ tập trung ở một số cơ quan nội tạng như: Có vết lở loét ở mang hồi, manh tràng (chỗ ruột non nối với ruột già), lá lách sưng nổi cộm như hình răng cưa ở xung quanh... Do đó cách tốt nhất người dân hãy mua thịt heo đã qua kiểm dịch tại các cơ sở bán hàng có uy tín. Chúng ta không ăn thịt heo bệnh, thịt heo không rõ nguồn gốc.

Nếu mua thịt heo ngoài chợ, người mua cần quan sát kỹ, lựa miếng thịt tươi. Thịt heo tốt có màu tự nhiên, ngả màu hồng đào, lấy dao cắt thớ thịt tươi sẽ thấy có màu sáng, sờ vào tay có cảm giác hơi dính, thịt mới mổ có cảm giác hơi mềm và sẽ rắn hơn nếu để quá 6 giờ. Người mua tuyệt đối không mua thịt có màu vàng vì có thể đây là biểu hiện của bệnh nghệ, căn bệnh rất dễ lây sang người nếu ăn vào. Người mua cũng tránh xa những tảng thịt phát hiện trong thớ có những hạt trắng, trông giống hạt gạo. Đó là con heo bị mắc bệnh gạo, những hạt trắng đó là ổ ấu trùng sán. Thịt heo có màu đỏ sậm hơn hoặc xanh đen là thịt heo bệnh để lâu. Thịt bị ôi, ruồi nhặng sẽ bâu vào nhiều hơn so với thịt bình thường.

Người nội trợ khi chế biến thịt heo, tốt nhất là mang găng, rửa tay bằng xà phòng sau khi chế biến. Đặc biệt là phải nấu thịt heo thật chín trước khi ăn; không được ăn các món ăn tái, món sống, đặc biệt là món tiết canh.

Đồng thời, chúng tôi khuyên hộ buôn bán nên tuân thủ pháp luật, giữ đạo đức kinh doanh. Người buôn bán thu mua nguyên liệu sạch, không mầm bệnh, có nguồn gốc rõ ràng để cung cấp cho người tiêu dùng nhằm bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.