Chủ Nhật, 21/07/2019, 18:28 (GMT+7)
.

Những sai lầm khi ăn rau nhiều người mắc phải

Ngâm rau trong nước muối diệt khuẩn, nấu quá lâu, không gọt vỏ, thái củ quả trước khi rửa... là những sai lầm thường gặp khi ăn rau.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết rau có nguy cơ cao chứa các loại ký sinh trùng do trồng chủ yếu ở ao, hồ và tưới bằng nước bẩn, bón phân tươi. Ăn rau xanh chưa được rửa sạch hay chế biến kỹ khiến cho các loại giun sán, giun đũa chó mèo, sán lá gan... xâm nhập vào cơ thể.

Luộc hoặc xào rau, không nên nấu quá lâu và cho quá nhiều rau vào chảo, làm mất mùi vị của rau. (Ảnh: Wiki).
Luộc hoặc xào rau, không nên nấu quá lâu và cho quá nhiều rau vào chảo, làm mất mùi vị của rau. (Ảnh: Wiki).

Ngâm rau trong nước muối loãng không diệt trừ được giun sán như nhiều người vẫn nghĩ, lượng hóa chất bám trên rau cũng không giảm đi đáng kể, mùi vị có thể bị thay đổi. Ngâm rau sống quá lâu (trên 10 phút) có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng. Bạn cần nhặt sạch rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch, rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy để loại trừ trứng giun sán, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất trừ sâu còn bám trên lá rau.

Có thể ngâm rau với giấm giúp tiêu diệt vi khuẩn, virus, phá vỡ phấn, lông bên ngoài rau. Hỗn hợp giấm 10% sẽ diệt đến 90% vi khuẩn, chưa có nghiên cứu cho thấy giấm loại bỏ hoàn toàn thuốc trừ sâu. Nếu rửa rau bằng giấm, bạn nên rửa lại bằng nước sạch một lần nữa. Kể cả cây nhà lá vườn cũng cần được rửa sạch.

Rau sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn nên nhiều người không ăn. Trong khi đó các loại rau ăn sống gồm diếp cá, kinh giới, rau răm, tía tô, húng quế, xà lách, rau mùi... rất tốt cho sức khỏe như giàu chất xơ, vitamin, giúp kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau co thắt, kích thích tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn...

Để đảm bảo an toàn khi ăn, bạn cần rửa sạch, để ráo nước chứ không nên bỏ hoàn toàn. Người bị rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng hoặc phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn.

Rửa rau trước khi cắt, thái để đảm bảo giữ được lượng vitamin trong rau. Làm sạch bề mặt bếp, thớt, dao sau khi gọt vỏ và trước khi cắt thái rau củ quả bằng nước ấm và xà phòng. Sau khi thái rau nên nấu luôn để rau được tươi, không héo và mất chất dinh dưỡng. Nếu quá bận rộn, hãy bọc rau củ quả trong túi đựng để không làm phân tán vi khuẩn và giữ vệ sinh cho tủ lạnh.

Khi nấu, bạn cần phải căn chuẩn thời gian, mở vung và không nấu quá lâu làm mất màu rau tự nhiên. Một số loại củ như cà rốt và khoai tây mất thời gian nấu hơn đậu hoặc rau xanh ăn lá. Nếu bạn nấu một hỗn hợp các loại rau, hãy bắt đầu bằng những rau lâu chín nhất, sau cùng mới đến rau nhanh chín.

Hạn chế cho quá nhiều rau vào chảo để luộc hay xào. Nguyên nhân là nguyên liệu quá nhiều khiến nhiệt độ trong chảo giảm, phân bố không đều, rau bị om lâu có thể khiến các chất dinh dưỡng trong rau giảm, rau không giữ được màu xanh vốn có.

Nên mua rau ở cơ sở uy tín và có nguồn gốc. Hạn chế rau trái mùa và xanh tốt khác thường. Củ, quả nên chọn loại còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát.

(Theo khoahoc.tv)

.
.
.