Chủ Nhật, 11/08/2019, 14:05 (GMT+7)
.

Viêm gan - sát thủ thầm lặng

Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm có tỷ lệ người bị viêm gan cao nhất trên thế giới, với khoảng 17% dân số bị nhiễm virus viêm gan B và C. Tuy nhiên, có tới 90% người nhiễm virus viêm gan không biết về tình trạng của mình. 

Trong khi đó, viêm gan B và viêm gan C dễ lây truyền và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Người bị nhiễm viêm gan virus dễ dẫn tới suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mãn tính, xơ gan và ung thư gan.

Bác sĩ đang thăm khám cho một bệnh nhân bị viêm gan virus B
Bác sĩ đang thăm khám cho một bệnh nhân bị viêm gan virus B.
Chủ quan, phát hiện muộn 

Khu điều trị bệnh nhân viêm gan ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương luôn rất đông người bệnh với nhiều trường hợp nhập viện muộn, có những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Sau gần 2 tuần điều trị, bụng vẫn bị chướng, da và mắt vẫn vàng sậm, ông Nguyễn Xuân Hưng (57 tuổi, ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) mệt mỏi: “Hàng tuần, tôi cũng có vài lần uống rượu nhưng thực sự không nghĩ mình lại bị viêm gan B. Chỉ khi cơ thể bỗng nhiên sút tới 4 - 5 cân, người luôn mệt mỏi, chán ăn, vàng da, tôi mới tới bệnh viện khám, xét nghiệm. Lúc này, tôi mới biết mình bị viêm gan B đang chuyển sang xơ gan”.

Theo các bác sĩ, nhiều trường hợp như bệnh nhân Hưng bị viêm gan B không được phát hiện kịp thời nên gặp nhiều biến chứng nguy hiểm là khá phổ biến, vì bệnh viêm gan thường có những tiến triển chậm, không điển hình nên người mắc bệnh thường chủ quan.

Ông Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, cho biết với số lượng người bị viêm gan như hiện nay, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 22.000 người tử vong vì ung thư gan.

Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, trong số các bệnh viêm gan ở nước ta, số người mắc virus viêm gan B là nhiều nhất, chiếm 10% - 15% dân số, tiếp đó có khoảng 2% dân số bị viêm gan virus C.

Như vậy, với dân số hiện nay, Việt Nam có khoảng 16 triệu người bị viêm gan do các loại virus gây ra. PGS-TS Đỗ Duy Cường cảnh báo, bệnh viêm gan được coi là “sát thủ thầm lặng” vì ở giai đoạn mãn tính, người mắc có các triệu chứng rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa, như: mệt mỏi, chán ăn, đầy tức thượng vị, nước tiểu sẫm màu. Do vậy, có tới 90% người bị nhiễm virus viêm gan không biết tình trạng bệnh của mình nếu không xét nghiệm máu. Không ít người đến khi phát hiện ra bệnh đều đã ở giai đoạn mãn tính, xơ gan, ung thư gan.

Dễ lây trong cộng đồng

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay, tỷ lệ người nhiễm viêm gan B và viêm gan C trong cộng đồng ở Việt Nam đứng đầu khu vực Tây Thái Bình Dương. Việt Nam đứng thứ 2 về số lượng người nhiễm viêm gan virus B (sau Trung Quốc) và vị trí thứ 3 về tỷ lệ viêm gan C (sau Trung Quốc, Nhật Bản).

Trong số 5 loại viêm gan virus thì viêm gan virus B và C lây truyền qua đường máu và dịch tễ, tương tự với đường lây truyền của HIV.

Trong khi viêm gan virus D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự; viêm gan virus A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và vệ sinh không đầy đủ. Có thể thấy, virus viêm gan B và virus viêm gan C rất dễ lây nhiễm, cũng như gây ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mọi người.

So với virus viêm gan B, virus viêm gan C lây truyền “thầm lặng” hơn, có thể kéo dài 10 - 20 năm, nên người bệnh thường không điều trị kịp thời và dẫn tới hậu quả rất nặng nề. Phần lớn người mắc viêm gan C mãn tính không có triệu chứng gì và vẫn sống gần như bình thường, chỉ khi bị xơ gan hoặc ung thư gan mới thể hiện các triệu chứng. Nguy hiểm hơn, nếu như viêm gan B đã có vaccine phòng ngừa thì thế giới hiện vẫn chưa có vaccine ngừa viêm gan C, mà các loại thuốc điều trị viêm gan C lại rất đắt nên việc tiếp cận với các thuốc này của người bệnh còn hạn chế. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nguyên nhân chủ yếu khiến các bệnh viêm gan gia tăng là do lạm dụng rượu bia, ăn các thực phẩm độc hại, có lối sống không lành mạnh… Để phòng ngừa viêm gan, người dân nên chủ động khám, xét nghiệm sàng lọc sớm nhằm kịp thời phát hiện bệnh, có hướng điều trị trước khi quá muộn.

“Người dân muốn biết mình có mắc bệnh hay không chỉ có cách xét nghiệm sàng lọc viêm gan, chứ không phải chờ đến khi có biểu hiện vàng mắt, vàng da, bụng trướng mới vào viện”, GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cảnh báo.

Cũng theo GS Nguyễn Văn Kính, để ngăn ngừa tiến triển từ viêm gan thành ung thư gan, người bệnh cần xét nghiệm máu định kỳ một năm từ 1 đến 2 lần để đo tải lượng virus, đánh giá chức năng gan xem có bị ứ mật, xơ hóa hay không. Đối với bệnh nhân mắc viêm gan mãn tính không bị tăng men gan và không bị xơ gan, cần tập thể dục, thể thao hàng ngày, hạn chế tối đa rượu, bia, đồ uống có cồn và giảm căng thẳng. Đối với bệnh nhân đang bị tăng men gan, cần nghỉ ngơi tuyệt đối, tránh xa các căng thẳng trong thời gian tăng men gan, uống thuốc đều đặn và tuân thủ nghiêm các chỉ định của bác sĩ.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.