Thứ Sáu, 27/09/2019, 12:16 (GMT+7)
.

Cấp cứu thành công ca bị thanh gỗ đâm thấu ngực

(ABO) Trưa 24-9, anh Trần S. V, sinh năm 1976, ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang làm nghề thợ mộc, trong lúc cưa cây chẳng may bị thanh gỗ đâm thẳng vào vùng ngực bụng.

Anh V. bị thanh gỗ đâm xuyên thấu ngực
Anh V. bị thanh gỗ đâm xuyên thấu ngực

Tai nạn bất ngờ khiến anh V. mất nhiều máu, có khả năng nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Châu Thành trước khi được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang trong tình trạng còn tỉnh táo và thanh gỗ còn dính trên thành ngực.

Qua khám sơ bộ, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị thanh gỗ dài khoảng 50 cm đâm vào ngực, vết thương đâm xuyên ngực - bụng, tổn thương sâu, rất nguy hiểm, phải mổ cấp cứu.

Thanh gỗ xuyên ngực bụng vào đường nách trước, khoảng liên sườn X bên trái thấu ngực và thanh gỗ dính vào ngực.

Bác sĩ tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân V.
Bác sĩ tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân V.

Các bác sĩ đã cưa ngắn đoạn gỗ dài bên ngoài cơ thể bệnh nhân;  đồng thời, tiến hành phẫu thuật mở vùng bụng để đánh giá tổn thương phía trong, phần thanh gỗ nằm trong dài khoảng 10 cm, thấu ngực - bụng và cơ hoành đã bị thủng.

Ê-kíp các bác sĩ tiến hành khâu kín nơi thủng cơ hoành, hút hết dịch - máu ở trong bụng (có khoảng 200 ml máu), sau đó tiến hành dẫn lưu Douglas và làm sạch vùng tổn thương cho người bệnh. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công.

Thanh gỗ dài khoảng nửa mét được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân V.
Thanh gỗ dài khoảng nửa mét được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân V.

Theo Thạc sĩ Bác sĩ Lê Phước Nguyên – Khoa Ngoại tổng quát, vết thương đâm vào ngực, bụng thường do dao đâm hoặc vật cứng nhọn như kim loại sắc nhọn, tre, gỗ..., bệnh nhân không được tự ý rút dị vật ra vì nếu rút ra, những vết thương này có thể trở nên phức tạp và phát triển thành vết thương hở, bệnh nhân sẽ mất máu nhiều, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, người dân cần giữ nguyên dị vật, băng kín vết thương hoặc cố định giữ dị vật và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử lý kịp thời.

PHAN ĐÓN – QUANG THÀNH

.
.
.