.

Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi

Cập nhật: 21:31, 14/10/2019 (GMT+7)

Dân số Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa. Cũng như nhiều nước trên thế giới, xu hướng “già hóa dân số” ở Việt Nam là tất yếu. Vấn đề đặt ra là cần có sự can thiệp chính sách từ sớm để chăm sóc và phát huy tốt vai trò người cao tuổi (NCT), duy trì cơ cấu dân số hợp lý, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.

Khám, chữa bệnh cho NCT tại huyện Chợ Gạo.
Khám, chữa bệnh cho NCT tại huyện Chợ Gạo.

Theo nhận định của Liên Hợp quốc, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ “già hóa dân số” nhanh nhất thế giới. Tính đến cuối tháng 8-2018, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 11,31 triệu NCT (từ 60 tuổi trở lên), chiếm khoảng 11,95% dân số. Trong đó, khoảng 65% NCT sống ở khu vực nông thôn, 23% NCT thuộc diện hộ nghèo đa chiều.

Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và đến năm 2050 là 23%. Từ năm 2030, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ “dân số vàng”; sau năm 2040, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sẽ gây những tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

 Hằng năm, nước ta đều tổ chức Tháng hành động vì NCT Việt Nam nhằm nâng cao ý thức của NCT và huy động cả cộng đồng chăm lo cho NCT. Năm 2019, với chủ đề “Chung tay chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc của NCT”, Tháng hành động vì NCT Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 31-10 với các hoạt động chăm sóc sức khỏe, chúc thọ mừng thọ và biểu dương khen thưởng NCT, vận động các nguồn lực chăm sóc NCT có hoàn cảnh khó khăn...
 

Trước thực tế này, vấn đề đặt ra là phải chú trọng can thiệp, điều chỉnh sớm chính sách, pháp luật về NCT, đặc biệt là việc chăm sóc, trợ giúp, để bảo đảm cho NCT sống vui, sống khỏe, phát huy tốt nhất vai trò của mình đối với sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội, đất nước.

Theo đó, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến NCT với nhiều chủ trương và chính sách liên tục qua các thời kỳ nhằm chăm sóc và phát huy vai trò của NCT. Cụ thể như ban hành Luật NCT năm 2009 đã dành toàn bộ Chương II để quy định về phụng dưỡng, chăm sóc NCT; Quyết định 1781 ngày 22-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 với mục tiêu tổng quát là phát huy vai trò của NCT; nâng cao chất lượng chăm sóc NCT; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò NCT phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Tại Tiền Giang, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch 95 ngày 11-6-2013 về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu chung là phát huy vai trò của NCT và nâng cao chất lượng chăm sóc NCT phù hợp với tiềm năng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò NCT.

Kế hoạch 95 đề ra 8 hoạt động cụ thể để tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến NCT, phát huy vai trò NCT; đồng thời, quan tâm chăm sóc sức khỏe cũng như chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao đời sống vật chất NCT và chủ động chuẩn bị cho tuổi già.

Căn cứ Kế hoạch 95, Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần của NCT; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và khám bệnh cho NCT, đặc biệt quan tâm chữa bệnh cho NCT cô đơn, NCT bệnh nặng không thể đến cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo đó, Sở Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên phải bố trí giường bệnh điều trị nội trú và tổ chức buồng khám bệnh riêng cho NCT tại khoa Khám bệnh. Các bệnh viện thành lập khoa Lão khoa khi có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực; lập sổ theo dõi các bệnh mạn tính cho NCT trong hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe NCT.

Đối với các Trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho NCT tại trạm y tế; hướng dẫn NCT các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe, quản lý bệnh mạn tính cho NCT tại địa phương; hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng NCT bị tàn tật để phòng ngừa và phục hồi các di chứng do chấn thương, tai nạn hoặc do các bệnh tai biến mạch máu não, bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp và các bệnh khác.

Bên cạnh đó, các trạm y tế phải cử cán bộ y tế đến khám, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với NCT cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Sở Y tế khuyến khích tổ chức mạng lưới bác sĩ gia đình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho NCT; đồng thời, phối hợp liên ngành tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở NCT để tự phòng bệnh.

BSCKII TRẦN THANH THẢO

.
.
.