Hiểm họa thuốc đái tháo đường gia truyền
Đái tháo đường là một trong những “đại dịch” của xã hội hiện đại. Bên cạnh phương pháp kiểm soát đường huyết bằng Insulin của tây y, nhiều người bệnh cũng tìm đến bài thuốc thảo dược đông y với niềm tin sẽ “hợp” với thể trạng hơn.
Không thể phủ nhận tác dụng của các loại thảo mộc dân gian nếu sử dụng đúng cách trong việc ổn định đường huyết cho người bệnh đái tháo đường, tuy nhiên, hiện nay tồn tại một bộ phận người bệnh tự ý sử dụng tràn lan các loại đông dược không rõ nguồn gốc để điều trị, khiến tình trạng bệnh không cải thiện mà còn nặng hơn.
Nguy hiểm khi sử dụng
Sáng 21-10, Bệnh viện (BV) Thống Nhất cho biết, thời gian gần đây BV tiếp nhận nhiều trường hợp người dân nhiễm toan lactic nặng do uống thuốc điều trị bệnh đái tháo đường có chứa chất cấm phenformin. Nhiều trường hợp nhiễm độc quá nặng, gia đình phải xin về nhà để lo hậu sự. Điển hình là bệnh nhân Đ.T.S., 67 tuổi, nhập viện ngày 16-10 trong tình trạng lơ mơ, đau bụng, tụt huyết áp, lượng đường huyết cao, vượt cả ngưỡng đo của máy, suy hô hấp rất nặng. Bệnh nhân được xác định nhiễm toan lactic (nồng độ acid lactic vượt mức bình thường) do chất cấm phenformin và được lọc máu liên tục. Tuy nhiên, do diễn tiến bệnh ngày càng nặng nên gia đình xin đưa về nhà vào chiều 20-10. Theo người nhà bà S., bà có tiền sử bệnh tiểu đường đã 10 năm. Nghe người quen giới thiệu, bà chuyển sang uống 2 loại thuốc có nhãn mác in chữ Trung Quốc không rõ nguồn gốc và xảy ra tình trạng trên…
Một trường hợp khác là bệnh nhân V.T.B.L., 60 tuổi, nhập viện ngày 17-10 trong tình trạng đau lưng, mỏi cơ xương khớp. Thông qua xét nghiệm, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị nhiễm toan lactic rất nặng, nguy cơ tử vong cao, bởi có những thời điểm bệnh nhân sắp rơi vào trạng thái hôn mê. Tại BV, các bác sĩ đã điều trị hoàn toàn bằng nội khoa, ổn định đường huyết. Sau 4 ngày điều trị tại Khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân đã dần ổn định. Theo lời kể của bệnh nhân, do thấy trên mạng internet quảng cáo loại thuốc trị tiểu đường do Công ty Difoco sản xuất (loại thuốc này đã bị Bộ Y tế yêu cầu ngưng sản xuất, lưu hành trên thị trường) nên tìm mua. Sau khi uống liên tục 3 tháng thì bệnh nặng thêm.
Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận 4 - 5 trường hợp bị toan chuyển hóa rất nặng, nguy kịch sau khi uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc chứa chất cấm phenformin để điều trị bệnh tiểu đường.
Thận trọng
Theo các chuyên gia y tế, gần đây việc sử dụng phenformin để sản xuất thuốc điều trị đái tháo đường ngày càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Phenformin được phát hiện vào năm 1950, dùng để điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, các nhà nghiên cứu nhận thấy phenformin mặc dù giúp kiểm soát đường huyết, nhưng lại gây tác dụng phụ cực kỳ nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng, dẫn đến tử vong, đó chính là nhiễm acid lactic. Chính vì vậy, vào những năm 1970, phenformin dần bị hạn chế sử dụng và bị cấm lưu hành ở Mỹ cũng như các nước khác vào tháng 11-1978.
Mặc dù vậy, tại Việt Nam cũng như vài nước châu Á khác, phenformin vẫn lén lút được sản xuất và lưu hành dưới dạng thuốc cặp điều trị đái tháo đường, được bào chế dưới nhiều dạng trình bày khác nhau: dạng viên thuốc gia truyền, thuốc tễ, tiểu đường hoàn, viên tiểu đường…. Khi sử dụng thuốc chứa chất cấm phenformin, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, yếu cơ. Sau đó, mức độ nặng tăng dần với những triệu chứng thở nhanh, tim đập nhanh, tụt huyết áp, rối loạn tri giác và suy hô hấp.
“Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính ngày một gia tăng, gây ra nhiều biến chứng. Loại bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa được biến chứng nếu người bệnh tuân thủ điều trị đúng cách, theo dõi định kỳ.
Người bệnh tuyệt đối không nên nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn, hay tin những quảng cáo trên internet, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bỏ điều trị, làm các biến chứng ngày càng nặng nề và có thể nhiễm lactic nguy hiểm chết người.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý, kết hợp với việc dùng thuốc và theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, ngăn ngừa biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống; giúp người bệnh sống vui khỏe, lạc quan cùng bệnh đái tháo đường”, bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh khuyến cáo.
(Theo sggp.org.vn)
.