.

Đái tháo đường và những biến chứng

Cập nhật: 10:32, 01/11/2019 (GMT+7)

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Trong năm 2015, trên toàn thế giới có 415 triệu người lớn (độ tuổi 20 - 79 tuổi) mắc bệnh ĐTĐ, tương đương trong 11 người lớn thì có 1 người đang sống với bệnh ĐTĐ.

Dự đoán vào năm 2040, số người mắc bệnh ĐTĐ trên toàn thế giới sẽ tăng tới khoảng 642 triệu người hay nói cách khác cứ 10 người lớn sẽ có 1 người có bệnh ĐTĐ.

Người cao tuổi cần theo dõi sức khỏe thường xuyên để kiểm soát bệnh ĐTĐ.
Người cao tuổi cần theo dõi sức khỏe thường xuyên để kiểm soát bệnh ĐTĐ.

Bệnh ĐTĐ là một trong những vấn đề y tế toàn cầu cấp bách của thế kỷ 21, là gánh nặng tài chính cho chăm sóc y tế, cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Trên toàn thế giới, năm 2015, chi phí y tế toàn cầu cho điều trị bệnh ĐTĐ và các biến chứng của căn bệnh này là 673 tỷ USD. Số bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ dự báo tăng 55% vào năm 2040, với chi phí y tế toàn cầu cho căn bệnh này lên tới 802 tỷ USD.

Còn tại Việt Nam, theo Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, năm 2015, có 3,5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, chiếm 6% người lớn trong độ tuổi từ 20 đến 79 tuổi.

Đến năm 2040, dự đoán số người mắc bệnh ĐTĐ tăng lên 6,1 triệu người, với chi phí y tế trên đầu người cho bệnh ĐTĐ là 162,7 USD. Theo điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ trong độ tuổi từ 50 - 69 tuổi là 7,7% và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Chỉ có 31,1% bệnh nhân ĐTĐ được chẩn đoán, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện nên phần lớn đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn.

Trong số những người bị bệnh ĐTĐ có tới 63,9% bệnh nhân không kiểm soát tốt bệnh ĐTĐ. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh ĐTĐ sẽ giúp người bệnh tiết kiệm chi phí điều trị và hạn chế thấp nhất biến chứng. Các biến chứng do bệnh ĐTĐ thường rất nặng nề và phần lớn chi phí là để điều trị biến chứng.

Những người mắc bệnh ĐTĐ có nguy cơ cao phát triển một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng.

Ngoài ra, những người mắc bệnh ĐTĐ cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Duy trì mức đường máu, huyết áp và cholesterol bình thường hoặc gần bình thường có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng của bệnh ĐTĐ. Do đó, những người mắc bệnh ĐTĐ cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên.

ĐTĐ ảnh hưởng đến tim, mạch máu và có thể gây ra các biến chứng gây tử vong như bệnh động mạch vành (dẫn đến nhồi máu cơ tim) và đột quỵ. Bệnh tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở người mắc bệnh ĐTĐ.

Huyết áp cao, cholesterol cao, glucose máu cao và các yếu tố nguy cơ khác góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch. ĐTĐ gây ra tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận.

Bệnh thận phổ biến ở những người mắc bệnh ĐTĐ hơn những người không mắc căn bệnh này. Việc duy trì mức glucose máu và huyết áp bình thường có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận.

Bên cạnh đó, ĐTĐ có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máu và huyết áp quá cao. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn cương dương và nhiều chức năng khác.

Trong các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các chi, đặc biệt là bàn chân. Tổn thương thần kinh ở những vùng này được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên và có thể dẫn đến đau, ngứa ran và mất cảm giác. Mất cảm giác là dấu hiệu đặc biệt quan trọng, vì nó có thể cho phép chấn thương không được chú ý, dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng và có thể phải cắt cụt chi.

Những người mắc bệnh ĐTĐ có nguy cơ bị cắt cụt chi cao gấp 25 lần so với người không mắc bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên, với sự quản lý toàn diện, có thể ngăn ngừa tỷ lệ lớn việc cắt cụt chi liên quan đến bệnh ĐTĐ, ngay cả khi cắt cụt chi, chân còn lại và cuộc sống của người bệnh có thể được cứu chữa, cải thiện bằng cách chăm sóc theo dõi tốt bởi nhóm đa lĩnh vực.

Những người mắc bệnh ĐTĐ nên kiểm tra bàn chân thường xuyên. Hầu hết những người mắc bệnh ĐTĐ sẽ phát triển một số loại bệnh về mắt (bệnh võng mạc) làm giảm thị lực hoặc mù lòa.

Mức glucose máu cao liên tục cùng với huyết áp cao và cholesterol cao là những nguyên nhân chính gây ra bệnh võng mạc. Tình trạng này có thể được quản lý thông qua kiểm tra mắt thường xuyên, kiểm soát giữ mức glucose máu và lipid bình thường hoặc gần bình thường.

Các biến chứng trong thời kỳ mang thai của người mắc bệnh ĐTĐ cũng rất nguy hiểm. Phụ nữ mắc bệnh ĐTĐ trong suốt thời kỳ mang thai nguy cơ có một số biến chứng nếu họ không theo dõi cẩn thận và kiểm soát tình trạng bệnh.

Để ngăn ngừa các tổn thương cơ thể xảy ra cho thai nhi, phụ nữ mắc bệnh ĐTĐ tuýp 1 hoặc tuýp 2 nên được kiểm soát đạt mức glucose máu mục tiêu trước khi có thai.

Trong thời kỳ mang thai, tất cả phụ nữ mắc bệnh ĐTĐ tuýp 1, tuýp 2 hoặc ĐTĐ thai kỳ nên cố gắng đạt được mục tiêu glucose máu trong suốt quá trình mang thai để giảm thiểu các biến chứng. Glucose máu cao trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến thai nhi bị quá cân.

Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sinh nở như chấn thương cho trẻ, bà mẹ và đột ngột giảm glucose máu ở trẻ sau sinh. Trẻ bị phơi nhiễm trong thời gian dài với glucose máu cao trong tử cung có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ cao trong tương lai.

Thực tế, có nhiều người đang sống với bệnh ĐTĐ tuýp 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của bản thân, đến khi được chẩn đoán, thường đã kèm theo các biến chứng của bệnh ĐTĐ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nội tiết, mặc dù ĐTĐ là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa khá hiệu quả, trong đó thực hiện lối sống lành mạnh có thể phòng ngừa được 70% ĐTĐ tuýp 2 và ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ.

MAI HÀ

.
.
.