Thứ Bảy, 16/11/2019, 11:47 (GMT+7)
.

Đổ bệnh với thực phẩm chức năng: Cơ quan quản lý lúng túng chạy theo

Trước thực trạng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) không ngừng thổi phồng công dụng, gây hiểu nhầm, ngộ nhận khiến người tiêu dùng “tiền mất tật mang”, thì cơ quan chức năng vẫn đang đùn đẩy trách nhiệm. 

Thậm chí, dù Nghị định 15/2018 bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn GMP cho tất cả các cơ sở sản xuất TPCN kể từ ngày 1-7-2019, nhưng đến nay quy định này vẫn đang… triển khai ì ạch. 

Thị trường thực phẩm chức năng hiện có rất nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau
Thị trường thực phẩm chức năng hiện có rất nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau.

Khó xử lý 

Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng trước quảng cáo TPCN Vương Lực Khang trên trang web banlinhdanong.meohay do vi phạm quy định quảng cáo thực phẩm. 

Theo hồ sơ, sản phẩm Vương Lực Khang do Công ty TNHH Mộc Hoa Đường (ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên, khi Cục An toàn thực phẩm mời doanh nghiệp đến làm việc thì đại diện công ty lại chối bỏ khi cho rằng quảng cáo Vương Lực Khang trên mạng xã hội không phải do Công ty TNHH Mộc Hoa Đường thực hiện và không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên website này...

Theo Cục An toàn thực phẩm, trường hợp “chối bỏ sản phẩm” hiện rất phổ biến trong hoạt động kinh doanh và quảng cáo TPCN. Cơ quan chức năng đánh giá, các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo TPCN phổ biến là quảng cáo không đúng công dụng bản chất của sản phẩm; cường điệu hóa công dụng của sản phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc chữa bệnh. Không chỉ quảng cáo sai sự thật, nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh TPCN còn “mượn” danh bác sĩ hoặc cơ sở y tế uy tín để cố tình lừa dối người tiêu dùng. 

Liên quan tới tình trạng vi phạm về quảng cáo TPCN trên các trang điện tử, đặc biệt là mạng xã hội Facebook, Zalo, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết đã làm việc với cơ quan chức năng và cả mạng xã hội (Facebook) để phối hợp giải quyết tình trạng quảng cáo quá mức trên các trang mạng.

“Chúng tôi đã làm việc với đại diện Facebook cùng Bộ TT-TT. Đại diện Facebook ở Việt Nam đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ và đóng các website, tài khoản vi phạm. Bộ Y tế rất quyết liệt, nhưng chúng tôi cần sự phối hợp của các bộ ngành, sự hợp tác của Facebook trong quản lý lĩnh vực này”, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nhấn mạnh.

“Thuốc hóa” TPCN

Trước thị trường màu mỡ và nhu cầu của người dân, không ít doanh nghiệp vốn lâu nay sản xuất thuốc cũng “nhảy” vào sản xuất TPCN. Hàng loạt công ty dược phẩm lớn nhỏ như H.G, Evi, S, N.H… đã thâm nhập thị trường TPCN với hàng trăm sản phẩm, từ hỗ trợ điều trị dạ dày, xương khớp đến tim mạch, huyết áp… 

“Xin được một số đăng ký thuốc nhiêu khê lắm! Xin được rồi còn sản xuất, qua hàng chục khâu xét duyệt tiêu chuẩn trầy trật nữa, mà rốt cuộc chưa chắc đã có lãi. Trong khi sản xuất TPCN ít tiêu chuẩn và có lợi nhuận hơn”, giám đốc một công ty dược phẩm cho biết.

Thực tế, sản xuất TPCN không quá khắt khe tiêu chuẩn về nguyên liệu, thành phần, “dễ thở” hơn sản xuất thuốc, nên nhiều năm qua, không ít doanh nghiệp dược đã đổ xô vào làm, tạo ra thị trường TPCN cạnh tranh khá khốc liệt. Có lợi thế về mạng lưới phân phối thuốc sẵn có, các công ty dược bổ sung thêm TPCN vào đại lý, nhà thuốc, thậm chí len lỏi đến tận vùng sâu vùng xa.

Theo PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN, TPCN không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, hầu hết từ ngữ quảng cáo, tư vấn đều nhắm vào TPCN có tác dụng điều trị. Các chuyên gia lo ngại, khi doanh nghiệp dược nhảy vào thị trường TPCN, do bao bì là của công ty dược nên không ít người tiêu dùng ngộ nhận là… thuốc. 

Để “chuẩn hóa” TPCN, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, từ ngày 1-7-2019, tất cả cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn GMP (Thực hành sản xuất tốt) của Bộ Y tế. Đây được xem là cơ sở pháp lý để sàng lọc, loại bỏ các cơ sở sản xuất TPCN không đủ điều kiện, giảm thiểu hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Thế nhưng, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, nhìn nhận việc quản lý TPCN đang đứng trước rất nhiều thách thức.

“Lẽ ra phải siết chặt các quy định về đăng ký, điều kiện sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm ngay từ đầu và cần thực hiện thật nghiêm túc các quy định về quản lý TPCN để lập lại trật tự. Không thể đánh giá các quy định là đủ chặt hay chưa, mà quan trọng là việc triển khai có quyết liệt hay không. Với cơ sở pháp lý rõ ràng và mức xử phạt nặng, hệ thống thanh tra sẽ phát huy được hiệu quả trong xử lý vi phạm”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Trước thực trạng bát nháo của thị trường TPCN và đang có xu hướng “thuốc hóa” TPCN khi được đưa vào khung GMP, các chuyên gia lo lắng thị trường TPCN càng thêm khó kiểm soát một khi công tác quản lý vẫn thiếu sự thống nhất; các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế tài còn lỏng lẻo, nhất là điều kiện kinh doanh (trong đó kinh doanh qua mạng) chưa nghiêm ngặt, việc quảng bá TPCN thông qua hội thảo, quảng cáo, tư vấn qua mạng xã hội chưa được kiểm soát.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.