Huyện Chợ Gạo: Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Năm 2018, huyện Chợ Gạo có tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) 107,16 bé trai/100 bé gái, đạt xấp xỉ mức TSGTKS bình thường từ 104 - 106 bé trai/100 bé gái. Tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), huyện Chợ Gạo phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ giữ ổn định TSGTKS.
Hội thảo tôn vinh trẻ em gái đạt thành tích trong học tập là một trong những giải pháp truyền thông giảm thiểu MCBGTKS của huyện Chợ Gạo. |
TSGTKS CHƯA ỔN ĐỊNH
Tình trạng MCBGTKS ở huyện Chợ Gạo xảy ra từ năm 2010. Do đó, ngay từ năm này, huyện triển khai Đề án can thiệp giảm thiểu MCBGTKS trên địa bàn 2 xã Hòa Tịnh và Đăng Hưng Phước. Đến năm 2012, huyện tiếp tục triển khai đề án ở 100% xã, thị trấn. Theo đó, TSGTKS của huyện có giảm nhưng chưa ổn định.
Cụ thể, TSGTKS của huyện qua từng năm như sau: Năm 2010 là 108,5 bé trai/100 bé gái; năm 2016 lại tăng với 109,9 bé trai/100 bé gái; năm 2018 là 107,16 bé trai/100 bé gái, đạt gần với mức TSGTKS bình thường từ 104 - 106 bé trai/100 bé gái.
Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết, thời gian qua, một số gia đình trên địa bàn huyện Chợ Gạo vẫn còn nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ, coi trọng con trai hơn con gái, phải có con trai để nối dõi tông đường, để phụng dưỡng bố mẹ khi về già. Điều này đã hằn sâu trong tiềm thức của nhiều gia đình, dòng họ. Đặc biệt nhiều gia đình kinh tế khá giả có tâm lý muốn sinh nhiều con, mặc dù đã có 2 con (có trai, có gái) nhưng vẫn muốn sinh thêm con… Mặt khác, vẫn còn một số cặp vợ chồng là cán bộ, công chức, viên chức muốn thực hiện quy mô gia đình ít con, sinh đủ 2 con nhưng phải có con trai nên đã lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) có lúc chưa phù hợp và còn nhiều bất cập.
TRUYỀN THÔNG KÉO GIẢM MCBGTKS
Ngay sau khi triển khai Đề án kiểm soát MCBGTKS trên địa bàn huyện Chợ Gạo giai đoạn 2016 - 2020, Phòng Dân số, Trung tâm Y tế phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Chợ Gạo xây dựng Chuyên mục “MCBGTKS và hệ lụy của MCBGTKS”; phối hợp với Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các xã, thị trấn của huyện tổ chức truyền thông về MCBGTKS cho người dân, duy trì các câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, “Tiền hôn nhân”...; truyền thông lồng ghép với chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, đây được xem là giải pháp thực hiện lâu dài và cho kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, hằng năm, Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo đều tổ chức các cuộc hội thảo tôn vinh trẻ em gái trong học tập và rèn luyện, tôn vinh các gia đình có con một bề là gái. Các hoạt động nhân Ngày Dân số Thế giới 11-7, Tháng hành động quốc gia về dân số, Ngày Dân số Việt Nam 26-12, đợt truyền thông cao điểm về MCBGTKS đều được thực hiện với kế hoạch và mục tiêu cụ thể…
Song song đó, các ngành, hội, đoàn thể của huyện Chợ Gạo thường xuyên lồng ghép tuyên truyền các đề án nâng cao chất lượng dân số trong các buổi sinh hoạt địa bàn, nhân dân, đoàn thể. Các trạm y tế của huyện chú trọng công tác tư vấn về DS-KHHGĐ, sức khỏe sinh sản, MCBGTKS cho bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ; đồng thời, tăng cường quản lý phụ nữ, bà mẹ mang thai có nguy cơ sinh con bị dị tật, khuyết tật cao.
Ngoài ra, cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số đẩy mạnh các hoạt động thăm hộ gia đình, tiếp cận với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ để tư vấn, vận động tham gia thực hiện các biện pháp tránh thai, xây dựng quy mô gia đình ít con.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thùy Trang, hằng năm, Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo đều phân công cán bộ của phòng tham gia giám sát và hỗ trợ các hoạt động truyền thông tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; đồng thời, cấp phát tờ rơi về chủ đề MCBGTKS cho các xã, thị trấn; duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ bạn gái tiêu biểu trong trường học. Phòng Dân số thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về can thiệp giảm thiểu MCBGTKS cho đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo, đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số; chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên dân số tăng cường truyền thông trực tiếp tại gia đình, kết hợp lồng ghép, duy trì sinh hoạt câu lạc bộ, trong đó chú ý phát huy vai trò người cao tuổi, người có uy tín trong gia đình, dòng họ; chú ý nêu gương con gái chăm ngoan, học giỏi, thành đạt, hiếu nghĩa…
“Mục tiêu của việc triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông về DS-KHHGĐ, MCBGTKS nhằm từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân muốn có con trai để nối dõi, phê phán tình trạng trọng nam khinh nữ; nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội; hạn chế tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức…” - đồng chí Thùy Trang cho biết.
Cùng với công tác tuyên truyền, Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo chủ động tham mưu tăng cường sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền. Trong đó, đẩy mạnh sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong công tác truyền thông vận động để từng bước kiểm soát tình trạng MCBGTKS; cung cấp thông tin về tình hình, hậu quả và giải pháp khắc phục tình trạng MCBGTKS đến người dân; chú trọng giáo dục về sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới cho vị thành niên, thanh niên và nam, nữ chuẩn bị kết hôn…
P. MAI