Ung thư phổi: Bệnh phổ biến và nguy hiểm
Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất. Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm sẽ giúp bệnh nhân tăng hiệu quả điều trị và thời gian sống. Tuy nhiên, bệnh ung thư phổi không có nhiều triệu chứng điển hình biểu hiện ở giai đoạn sớm của bệnh.
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống hút thuốc lá nhằm ngăn ngừa các tác hại của khói thuốc lá gây ra, trong đó có nguy cơ dẫn đến ung thư phổi. |
NGUYÊN NHÂN GÂY TỬ VONG HÀNG ĐẦU
U phổi là một khối mô bất thường, phát triển quá mức và không hài hòa với những tổ chức bình thường kế cận. Ung thư phổi là bệnh phát triển thầm lặng, rất ít triệu chứng trong giai đoạn sớm. Do vậy, bệnh thường chỉ được phát hiện khi khối u đã lớn chèn ép vào các bộ phận xung quanh, hoặc di căn đến những cơ quan khác của cơ thể gây ra những biểu hiện rõ rệt. Bình thường, mỗi tế bào mô phổi phân chia thành 2 tế bào con nhưng trong bệnh lý ung thư phổi, tế bào mô phổi phân chia vô độ với hàng trăm, hàng ngàn lần, sản sinh ra vô số những tế bào non, không được biệt hóa, không có chức năng.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Còn ở nước ta, mỗi năm có gần 24.000 ca mắc mới và 20.170 người tử vong do ung thư phổi. Đây là căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong số các loại ung thư. |
Ung thư phổi đứng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Hiện nay, số người mắc ung thư phổi ngày càng gia tăng, chiếm tỷ lệ khoảng 12% tổng số các loại ung thư tính chung trên toàn thế giới và có xu hướng trẻ hóa. Đối tượng mắc ung thư phổi chủ yếu là ở lứa tuổi trên 50 tuổi, đặc biệt là người có tiền sử hút thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc. Theo thống kê, 90% người mắc bệnh ung thư phổi đều có liên quan đến thuốc lá. Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Ngoài ra, môi trường sống và làm việc có bụi silic, ô nhiễm không khí hoặc đột biến gen... cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
ÍT PHÁT HIỆN BỆNH SỚM
Ung thư phổi có tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên triệu chứng ban đầu của bệnh là rất ít, dễ bị người bệnh bỏ qua và bệnh chỉ phát hiện khi bệnh nhân có triệu chứng rõ rệt. Tất nhiên, đó là khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng và khả năng điều trị khỏi, điều trị làm bệnh chậm tiến triển là rất khó. Cụ thể như bệnh nhân Phan Thị N. (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông) là 1 trong những trường hợp ung thư phổi chậm phát hiện phổ biến. Bà N. cho biết: “Sức khỏe của tôi khá tốt nên ít khi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Do đó, khi bị ho, nghĩ là bị viêm họng hay “ho gió” gì đó nên tôi tự mua thuốc ho uống. Dùng thuốc một thời gian vẫn không khỏi, tôi chuyển sang uống các loại thuốc Nam trị ho trong dân gian như tần dày lá, cây thuốc dòi... nhưng chứng ho cứ dai dẵng không dứt. Khi thấy người quá mệt mỏi, ho ra máu và có nổi hạch sau vành tai, tôi mới đến bệnh viện khám và phát hiện bệnh ung thư phổi. Bác sĩ nói tình trạng bệnh của tôi không thể mổ cắt bỏ khối u hay can thiệp gì thêm ngoài việc dùng thuốc nâng đỡ cơ thể, làm giảm triệu chứng của bệnh”.
Theo chuyên gia về bệnh ung thư Nguyễn Chấn Hùng, ung thư phổi nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và xử lý kịp thời thì có thể kéo dài tuổi thọ, thậm chí là chữa khỏi. Do đó, mọi người nên chủ động đi kiểm tra sức khỏe, tầm soát ung thư, trong đó có ung thư phổi từ 6 tháng đến mỗi năm một lần. Đặc biệt việc này cực kỳ quan trọng đối với những người thường xuyên hút thuốc lá.
Ngoài ra, người bệnh cần đi khám ngay khi xuất hiện những triệu chứng sau: Ho kéo dài trên 2 tuần, ho ra máu (với lượng ít) có lẫn đờm, sẫm màu; đau ngực với triệu chứng lúc đầu là cơn đau thường liên quan đến vận động, sau đó thì đau liên tục, uống thuốc giảm đau cũng không thuyên giảm; khó thở với triệu chứng là người bệnh thường có cảm giác hụt hơi, lúc đầu khó thở khi vận động mạnh, lên cầu thang, về sau khó thở liên tục; mệt mỏi, sụt cân với triệu chứng người bệnh thường chán ăn, ăn kém, mệt mỏi và sụt cân nhanh. Bên cạnh đó, các dấu hiệu liên quan đến nội tiết như: Sưng đau các khớp nhỡ và nhỏ, sạm da, thay đổi tâm tính hay lo lắng, nóng giận hoặc trầm cảm... cũng có thể là triệu chứng của ung thư phổi.
Để làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi, các chuyên gia về ung thư khuyến cáo: Từ bỏ thuốc lá và tránh hít khói thuốc lá; tập thể dục thường xuyên; tăng cường chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây; tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng; khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần; thực hiện việc tầm soát ung thư phổi sớm nhất có thể ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường nhằm giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
MAI HÀ