.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản: Trách nhiệm không của riêng ai

Cập nhật: 09:33, 08/12/2019 (GMT+7)

Thời gian qua, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Tiền Giang đã quán triệt thực hiện Quyết định 818 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn giai đoạn 2015 - 2020” (gọi tắt Đề án 818).

Sự nỗ lực của tỉnh Tiền Giang trong thực hiện Đề án 818 đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm phục vụ chăm sóc SKSS cho người dân tỉnh nhà.

Chi cục DS-KHHGĐ Tiền Giang tập huấn cho cộng tác viên dân số huyện Tân Phước về công tác dân số và sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, ung thư vú.
Chi cục DS-KHHGĐ Tiền Giang tập huấn cho cộng tác viên dân số huyện Tân Phước về công tác dân số và sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, ung thư vú.

Từ năm 2016, thực hiện Đề án 818, UBND tỉnh, Sở Y tế và Chi cục DS- KHHGĐ đã ban hành nhiều văn bản phê duyệt và hướng dẫn triển khai thực hiện phân phối sản phẩm PTTT, hàng hóa SKSS thuộc Đề án 818.

Nội dung văn bản hướng dẫn cụ thể quy trình tiếp nhận phân phối sản phẩm, cung cấp các thông tin liên quan đến từng loại sản phẩm, quy định rõ chế độ báo cáo, nộp tiền; thành lập mạng lưới bán hàng từ tỉnh đến xã…

Đầu mối phân phối sản phẩm PTTT, hàng hóa SKSS ở tuyến tỉnh là Trung tâm Tư vấn dịch vụ DS-KHHGĐ, ở tuyến huyện là các Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị, thành. Đồng thời, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn vừa là đầu mối phân phối sản phẩm PTTT, hàng hóa SKSS cho cộng tác viên vừa tham gia bán lẻ.

Ngoài hệ thống bán hàng theo hệ thống ngành DS-KHHGĐ, một số Trung tâm DS-KHHGĐ còn huy động các nhà thuốc, hệ thống y tế tư nhân tham gia. Thực hiện phân phối các sản phẩm của Đề án 818, trong gần 4 năm qua, tỉnh đã phân phối 7 dịch vụ chăm sóc SKSS và PTTT với tổng số tiền trên 900 triệu đồng.

Đến nay, Đề án 818 đã triển khai cho tất cả các huyện, thị, thành, xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành DS-KHHGĐ còn phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai Đề án 818 vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhiều hoạt động thiết thực.

Theo đó, tổ chức lồng ghép các buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề KHHGĐ/SKSS và công tác dân số trong tình hình mới cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, khu nhà trọ, với gần 25.000 người tham dự; tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho tuyên truyền viên các khu, cụm công nghiệp về công tác KHHGĐ/SKSS, dân số trong tình hình mới và Đề án 818…

Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục DS-KHHGĐ Tiền Giang Lê Trần Thu Thủy, thực hiện Quyết định 818 và Quyết định 718 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh mở rộng xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030” cũng như các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế và Tổng cục DS-KHHGĐ, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Công văn 786 về việc tiếp tục thực hiện Đề án 818; Sở Y tế ban hành Công văn 772 ngày 7-3-2019 về việc triển khai thực hiện Quyết định 718; Chi cục DS-KHHGĐ Tiền Giang xây dựng kế hoạch truyền thông, vận động các nội dung của Đề án 818 tại tỉnh Tiền Giang năm 2019 với nhiều hoạt động truyền thông.

Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ Tiền Giang tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Quyết định 718 và các văn bản có liên quan; đồng thời, xây dựng hệ thống Đề án 818 tại tỉnh để tổ chức các hoạt động của đề án cho lãnh đạo, công chức, viên chức Trung tâm Y tế huyện, thị, thành và các đơn vị y tế liên quan; thảo luận các nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung Đề án 818 trên địa bàn tỉnh để phù hợp với nội dung Quyết định 718; thảo luận định hướng xây dựng hệ thống cung cấp PTTT, hàng hóa SKSS, dịch vụ kỹ thuật về dự phòng, sàng lọc, chẩn đoán sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại các cơ sở y tế đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030; tập huấn kỹ năng truyền thông phân phối sản phẩm cho cán bộ trực tiếp phân phối sản phẩm của Đề án 818; tổ chức truyền thông, trưng bày sản phẩm, cung cấp miễn phí các sản phẩm PTTT, hàng hóa SKSS cho đối tượng dùng thử ở 10 doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp của tỉnh Tiền Giang.

Đặc biệt, trong các đợt truyền thông trực tiếp, Chi cục DS-KHHGĐ Tiền Giang tập trung cung cấp kiến thức cho phụ nữ về nguy cơ, hậu quả của bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung đối với đời sống, sức khỏe của phụ nữ, gia đình và xã hội; lợi ích của việc dự phòng, sàng lọc phát hiện ung thư vú, ung thư cổ tử cung và hướng dẫn cách phòng ngừa; hướng dẫn thực hiện lối sống có lợi cho sức khỏe…

Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục DS-KHHGĐ Tiền Giang Lê Trần Thu Thủy, cái khó của tỉnh trong quá trình thực hiện Đề án 818 thời gian qua chính là sản phẩm PTTT, hàng hóa SKSS thuộc Đề án 818 còn mới lạ nên đối tượng ngại sử dụng; kiến thức về sản phẩm, kỹ năng bán hàng của đội ngũ cộng tác viên còn thấp.

Bên cạnh đó, năm 2019, việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ và Trung tâm Y tế làm cho việc triển khai thực hiện Đề án 818 gặp một số khó khăn; đồng thời, do bộ máy và các quy định của y tế về quản lý, sử dụng thuốc, PTTT trong quá trình sáp nhập chưa ổn định nên chậm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến người có nhu cầu.

Thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ Tiền Giang sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục phát huy những ưu điểm và khắc phục dần các khó khăn, hạn chế nhằm phổ biến và tạo thói quen lựa chọn sản phẩm chăm sóc SKSS, PTTT phù hợp cho người có nhu cầu trong cộng đồng…

MAI HÀ
 

.
.
.