Thứ Hai, 16/12/2019, 14:29 (GMT+7)
.

Đừng chủ quan với bệnh ung thư vú

Ung thư vú (UTV) là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với phụ nữ trên toàn thế giới, với tần suất xuất hiện khoảng 54,4/100.000 phụ nữ và có xu hướng gia tăng. Thông tin từ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, năm 2018, Việt Nam ghi nhận khoảng 15.000 ca mắc UTV, trong đó có trên 6.000 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao đối với người UTV phát hiện muộn. Việc phát hiện UTV ở giai đoạn sớm được xem là “chìa khóa vàng” điều trị thành công căn bệnh này.

Phụ nữ nên đến bác sĩ chuyên khoa khám vú định kỳ để tầm soát UTV.
Phụ nữ nên đến bác sĩ chuyên khoa khám vú định kỳ để tầm soát UTV.

UTV là dạng u vú ác tính. Một khối u có thể là lành tính (không ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Đa số các trường hợp UTV bắt đầu từ các ống dẫn sữa, một phần nhỏ phát triển ở túi sữa hoặc các tiểu thùy. UTV nếu phát hiện sớm thì sẽ điều trị đạt hiệu quả cao và giảm tử vong; ngược lại phát hiện muộn thì việc điều trị sẽ hết sức phức tạp, vì có thể đã di căn vào xương và các bộ phận khác, đau đớn nhiều hơn, chi phí điều trị sẽ rất tốn kém mà hiệu quả thấp. UTV là căn bệnh gây tử vong cao nhất ở nữ giới nên việc phát hiện các triệu chứng của bệnh và điều trị kịp thời là rất quan trọng.

NHỮNG DẤU HIỆU NHẬN BIẾT UTV

Các dấu hiệu cảnh báo mọi người cần lưu ý nhận biết sớm bệnh UTV như: Vùng ngực có cảm giác đau âm ỉ, không có quy luật rõ ràng, nhiều khả năng đây là tín hiệu cảnh báo ung thư vú ác tính giai đoạn sớm. Nếu vùng ngực đau, nóng rát liên tục hoặc ngày càng dữ dội thì nên đến bác sĩ khám ngay. Dấu hiệu thứ 2 là sự thay đổi màu sắc và tính chất da ở vùng ngực. Vùng da này có thể xuất hiện nhiều nếp nhăn hoặc lõm giống như lún đồng tiền hoặc vùng da xung quanh thường có mụn nước, ngứa lâu ngày không dứt.

Dấu hiệu thứ 3 là sưng hạch. Sưng hạch bạch huyết không chỉ là dấu hiệu của các bệnh thông thường như cảm cúm, nhiễm trùng mà còn có cả bệnh UTV. Nếu có khối u hoặc vết sưng đau dưới vùng da kéo dài trong vài ngày mà không rõ nguyên nhân thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo UTV. Dấu hiệu thứ 4 là đau lưng, vai hoặc gáy.

Một số phụ nữ khi mắc phải bệnh UTV thay vì đau ngực thì thường có cảm giác đau lưng hoặc vai, gáy. Những cơn đau thường xảy ra ở phía lưng trên hoặc giữa 2 bả vai, có thể nhầm lẫn với việc giãn dây chằng hoặc các bệnh liên quan trực tiếp đến cột sống. Dấu hiệu thứ 5 là vú to bất thường, 2 bên vú không tương xứng hay thường xuyên cảm thấy cương cứng thì rất có thể đây là một dấu hiệu của UTV. Dấu hiệu thứ 6 là tụt núm vú, thay đổi vùng da quanh đầu núm vú  hoặc bị co rút, nhăn nheo và có thể xuất hiện các hạt nhỏ ở quầng vú xung quanh núm vú, chảy dịch bất thường ở núm vú...

Tóm lại, khi phát hiện các u cục, sưng đau, biến đổi màu sắc da, chảy dịch... bất thường ở tuyến vú thì nên đến gặp bác sĩ sớm để được khám và tư vấn cụ thể. Phụ nữ trên 35 tuổi, người có những dấu hiệu bất thường ở tuyến vú, phụ nữ chưa từng sinh con... cần phải đi khám vú, chụp nhũ ảnh, siêu âm vú định kỳ và thực hiện đều đặn để sớm phát hiện bệnh UTV.

CẦN TẦM SOÁT UTV

Đối tượng có nguy cơ cao mắc UTV là những người sinh con muộn, không có khả năng sinh sản hoặc không cho con bú; phụ nữ trên 35 tuổi; người có kinh nguyệt sớm hay mãn kinh muộn; những người có tiền sử các bệnh liên quan đến vú như xơ nang tuyến vú; người sống trong môi trường độc hại, ô nhiễm; người béo phì, lười vận động, ăn thức ăn nghèo vitamin, hút thuốc lá, uống rượu; bệnh UTV cũng có thể do gen di truyền…

Những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc UTV cần thực hành tự khám vú mỗi tháng; khám vú tại bác sĩ chuyên khoa từ 6 đến 12 tháng/lần; chụp nhũ ảnh mỗi năm đối với người trong độ tuổi từ 40 đến 49 tuổi và 2 năm/lần đối với người trên 50 tuổi. Theo Bác sĩ Chuyên khoa II (BS CKII) Nguyễn Thành Sang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tiền Giang, thực hiện Đề án 818, Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức và ý thức thay đổi hành vi dự phòng UTV cho chị em phụ nữ.

Đây là việc làm thiết thực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. “Chúng tôi khuyến cáo, để phòng tránh UTV, bên cạnh việc siêng năng khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư, mọi người có thể chủ động phòng ngừa bằng cách tránh những tác nhân gây hại cho sức khỏe và kết hợp với nếp sống lành mạnh. Nếp sống lành mạnh gồm có bữa ăn lành mạnh là giàu thức ăn có nguồn gốc thực vật, bớt ăn thịt, ăn ít béo, ít muối và ít đường…

Nếp sống lành mạnh là tránh xa thuốc lá, uống ít hoặc không uống rượu, bia; siêng năng luyện tập thể lực hằng ngày, giữ thân hình cân đối… Đặc biệt để phòng ngừa UTV, phụ nữ cần cân nhắc việc điều trị bằng hormon ở giai đoạn mãn kinh. Vì việc tăng thêm lượng hormon estrogen vào cơ thể có thể làm tăng sự phân chia tế bào vú, dẫn đến tăng nguy cơ kích thích sự phát triển của các tế bào bất thường gây UTV” - BS CKII Nguyễn Thành Sang chia sẻ.

MAI HÀ

.
.
.