Thứ Hai, 02/12/2019, 11:06 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Nhiều năm qua, Nhà nước luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT), lập Quỹ Bảo trợ bệnh nhân nghèo… là những việc làm thiết thực để người nghèo có cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế trong chăm sóc sức khỏe.

Người nghèo được thanh toán chi phí thực hiện các dịch vụ y tế kỹ thuật cao.
Người nghèo được thanh toán chi phí thực hiện các dịch vụ y tế kỹ thuật cao.

TỪ MUA BHYT CHO NGƯỜI NGHÈO

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra “nghịch lý” giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe và thực trạng sử dụng dịch vụ y tế của người nghèo. Người nghèo có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao, nhưng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế khi mắc bệnh lại thấp hơn các nhóm đối tượng khác.

Kết quả Điều tra y tế Quốc gia cho thấy, gần 40% người nghèo không điều trị khi mắc bệnh, mà nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn về tài chính. Người nghèo thường chỉ đến cơ sở khám, chữa bệnh khi bệnh đã tiến triển nặng.

Để tạo điều kiện cho người nghèo được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, Nhà nước đã ban hành chủ trương mua BHYT cho người nghèo.

Hằng năm, tỉnh đầu tư nguồn kinh phí khá lớn cho công tác này. Chỉ riêng 8 tháng năm 2019, tỉnh đã mua và cấp thẻ BHYT cho 45.216 người nghèo, với tổng kinh phí gần 22,9 tỷ đồng.

Số người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ mua BHYT lên đến 55.527 người, tổng kinh phí hơn 28,5 tỷ đồng. Riêng thực hiện hỗ trợ BHYT cho các thành viên theo hộ gia đình trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 131 về tham gia BHYT, có tổng số 91.275 người được cấp thẻ BHYT với kinh phí gần 46,6 tỷ đồng.

Được hỗ trợ BHYT, chi phí chăm sóc sức khỏe của người nghèo giảm đáng kể và đối tượng này quan tâm chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Thay vì phải vay nợ hoặc bán, cầm cố tài sản để trị bệnh như trước đây, nhiều người nghèo đã được cứu chữa bệnh kịp thời mà không tốn quá nhiều chi phí. Đặc biệt, do có BHYT nên người nghèo mạnh dạn đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh khi có bệnh, từ đó giảm dần tình trạng không điều trị khi mắc bệnh của họ.

Chị Phạm Thị Chọn (ấp Mỹ Luận, xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy) đưa con gái đi khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang chia sẻ: “Con gái tôi mắc bệnh tim bẩm sinh. Bác sĩ báo mổ với chi phí quá lớn, vợ chồng tôi không có khả năng trị bệnh cho con.

Nhờ có BHYT người nghèo và được hỗ trợ thêm nên con gái tôi mới được cứu sống”. BHYT đã chia sẻ gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, góp phần đáng kể trong việc tạo cơ hội chăm sóc sức khỏe của đối tượng khó khăn nhất trong xã hội.

ĐẾN CỘNG ĐỒNG SẺ CHIA

Ngoài việc được khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại cơ sở y tế của Nhà nước, người nghèo còn được chăm sóc sức khỏe miễn phí thông qua hệ thống các phòng khám bệnh nhân đạo và hoạt động khám, chữa bệnh từ thiện.

Toàn tỉnh hiện có trên 10 phòng khám nhân đạo, hơn 90 tổ thuốc nam và hằng năm có khoảng 100 đoàn y, bác sĩ đến khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

Các bác sĩ của Nhóm Y bác sĩ tình nguyện Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang bao năm qua vẫn tích cực tham gia những chuyến khám bệnh từ thiện cho dân nghèo vùng sâu. Khám bệnh từ thiện là việc các bác sĩ này đã âm thầm làm suốt hơn chục năm qua.

Tranh thủ những ngày không trực và nghỉ phép, các bác sĩ sắp xếp việc gia đình để đến với dân nghèo. Bởi vì, theo các thầy thuốc này thì: “Trong xã hội còn nhiều người khổ. Đặc biệt, dân nghèo ở nông thôn ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt. Bà con chỉ đi khám khi có bệnh và khi tới bệnh viện thì bệnh đã quá nặng, không ít trường hợp không thể cứu chữa”. 

Nhóm hoạt động với nhiều cái không: Không tên, không khoa trương, hoàn toàn không nhận bồi dưỡng và không lấy ngày công của bệnh viện... Mặc dù vậy, nhóm hoạt động rất trôi chảy và hiệu quả; bởi vì, giữa các thành viên có một cái chung là “tấm lòng hướng tới người nghèo”.

Những thầy thuốc ấy đã âm thầm chia sẻ nỗi đau bệnh tật của dân nghèo suốt mười mấy năm qua. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào có kinh phí mua thuốc và muốn khám bệnh cho dân nghèo, dù ở đâu nhóm cũng sẵn sàng đến.

Được Đảng và Nhà nước quan tâm, cộng đồng cùng gắn kết chia sẻ, người nghèo trong tỉnh ngày càng có nhiều cơ hội chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Đây là một trong những tiền đề để người nghèo vươn lên trong cuộc sống.

THỦY HÀ

.
.
.