.
BÁC SĨ CHUYÊN KHOA II LÊ ĐĂNG NGẠN, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TIỀN GIANG:

Ngành Y tế đã sẵn sàng, nhưng mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe

Cập nhật: 17:30, 24/01/2020 (GMT+7)

Thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) phát hiện và đang điều trị cho 2 người Trung Quốc bị nhiễm Coronavirus gây bệnh viêm phổi cấp làm nhiều người lo lắng, nhất là trong dịp tết du khách đi lại nhiều. Virus này là gì, phòng ngừa ra sao và việc chủ động ứng phó dịch bệnh của Tiền Giang đã được Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang chia sẻ:

 

Virus corona là một họ lớn gồm nhiều chủng virus khác nhau phổ biến trong động vật. Trong một số trường hợp hiếm hoi chúng có thể lây nhiễm từ vật sang người, khiến con người sinh bệnh, thường là các bệnh liên quan tới đường hô hấp trên ở mức từ nhẹ tới trung bình, tương tự như chứng cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng biểu hiện của nhiễm virus corona gồm chảy nước mũi, ho, đau họng, có thể đau đầu và sốt. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong vài ngày. Với những người có hệ miễn dịch yếu, người cao tuổi và trẻ em, có khả năng virus corona còn gây các bệnh liên quan đường hô hấp dưới như viêm phổi hay viêm cuống phổi.

Các chủng virus corona có thể lây nhiễm qua tiếp xúc giữa người và vật. Các nhà khoa học cho rằng, dịch MERS khởi đầu từ loài lạc đà, trong khi đó các nhà khoa học nghi cầy hương là loài vật làm dịch SARS bùng phát.

Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Virus này cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân đôi khi cũng bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Chủng virus corona là nguyên nhân gây bệnh viêm phổi lạ tại Vũ Hán (Trung Quốc). Đây là một chủng mới phát hiện, bởi thế còn nhiều điều chưa biết về nó. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chủng virus mới này là "anh em họ" với virus gây đại dịch SARS và MERS nên có những cơ sở khoa học tới nay người ta đã nắm được.

Hiện chưa có cách điều trị cụ thể đối với người mắc viêm phổi lạ nhưng cũng như phần lớn các bệnh do virus khác thì hầu hết các trường hợp nhiễm virus corona, các triệu chứng bệnh sẽ tự hết. Các bác sĩ có thể giảm nhẹ các triệu chứng này bằng cách kê thuốc giảm đau hay giảm sốt. Người bệnh nên uống nhiều nước, chất lỏng, nghỉ ngơi và ngủ càng nhiều càng tốt. Trong trường hợp các triệu chứng không thuyên giảm mà thậm chí có dấu hiệu nặng hơn, cần tới bác sĩ ngay.

* PV: Đã có người mắc bệnh viêm phổi lạ tại Việt Nam, ngành Y tế có kế hoạch ứng phó như thế nào, thưa bác sĩ?

* BS CKII LÊ ĐĂNG NGẠN: Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch ứng phó với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây nên để hướng dẫn giám sát và phòng, chống.

Cụ thể là phối hợp với các ngành chức năng tăng cường các hoạt động giám sát, từ đó phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh đầu tiên, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để bệnh lây lan. Đồng thời, tiến hành cách ly, theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả các trường hợp có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

Các cơ sở điều trị chuẩn vị cơ số thuốc, cơ sở điều trị, cách ly, điều trị tích cực tại các khoa nhiễm. Thành lập các đội phòng, chống dịch cơ động của tỉnh, huyện, xã.

Tại Tiền Giang, thực hiện kế hoạch của Bộ Y tế, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Cụ thể, Tiền Giang đã thành lập 3 đội phòng, chống dịch cấp tỉnh lấy nhân lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh và các đơn vị có liên quan.

Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang đã thành lập 5 đội phòng, chống dịch cơ động có trang bị đầy đủ cơ số thuốc điều trị cũng như hóa chất… Trong bất kỳ thời điểm, trường hợp địa phương nào có nhu cầu cần hỗ trợ chúng tôi sẽ sẵn sàng. Tuyến huyện, mỗi đơn vị thành lập 1 đến 2 đội và tuyến xã mỗi nơi đều thành lập 1 đội phòng, chống dịch với thành viên trong và ngoài ngành Y tế.

Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ, chúng tôi sẽ có thông tin sớm nhất và có tiếp cận sớm để điều tra về mặt dịch tể, tư vấn xét nghiệm và tiến hành điều trị kịp thời khi xác định ca bệnh.

* PV: Để phòng bệnh do virus corona gây ra, bác sĩ có lời khuyên gì đối với người dân?

* BS CKII LÊ ĐĂNG NGẠN: Hiện chưa có vắc xin phòng ngừa virus corona. Để chủ động phòng, chống bệnh viêm phổi do virus corona gây ra, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh thì phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn vải hoặc khăn tay để giảm phát tán dịch tiết  đường hô hấp ra môi trường.

Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ thực hiện

 

.
.
.