Thứ Năm, 16/01/2020, 14:42 (GMT+7)
.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thành: Ngày tết, chớ lạm dụng rượu, bia

Trong y học, rượu, bia vừa có lợi nhưng cũng gây hại cho sức khỏe con người. Vậy sử dụng rượu, bia như thế nào để mang lại niềm vui trong những ngày vui xuân, đón tết. Bác sĩ Chuyên khoa II (BS CKII) Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang chia sẻ:

Theo truyền thống, trong những dịp lễ, tết, hầu hết mọi nhà không thể vắng bóng rượu, bia. Tuy nhiên, gần đây việc sử dụng rượu, bia có những cảnh báo, bởi tình trạng ngộ độc rượu, bia dẫn đến nguy hiểm tính mạng và có cả trường hợp tử vong. Bên cạnh ngộ độc gây hại đến sức khỏe, rượu, bia còn là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng mất an ninh trật tự, tai nạn giao thông nghiêm trọng.

 

Rượu, bia hoàn toàn có lợi cho sức khỏe nếu biết sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng và uống đúng liều lượng. Cụ thể, 1 nam thanh niên sức khỏe bình thường có thể uống tối đa khoảng 120 ml rượu hoặc 2 lon bia mỗi ngày; còn 1 nữ thanh niên có thể uống 60 ml rượu hoặc 1 lon bia mỗi ngày là bình thường, không gây hại cho cơ thể. Nếu uống quá liều lượng trên sẽ không có lợi mà còn gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, nhiều đối tượng được khuyên hạn chế hoặc không uống rượu, bia như phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh lý về gan, tim mạch; khi mệt mỏi hoặc căng thẳng, khi đang đói…

* Phóng viên (PV): Như vậy, theo bác sĩ thì nên chọn sử dụng rượu, bia như thế nào để tránh tác hại đối với sức khỏe?

* BS CKII Nguyễn Văn Thành: Khi dùng rượu, bia, mọi người cần lưu ý về chất lượng. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại rượu, bia có nguồn gốc xuất xứ và thành phần khác nhau. Do đó, khi chọn sử dụng các sản phẩm rượu, bia, mọi người phải xem kỹ thành phần và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.  Nên chọn những sản phẩm rượu, bia không có hóa chất độc hại như methanol, kim loại nặng. Những hóa chất độc hại này thường có mặt trong các loại cồn công nghiệp và rượu tự pha chế chứ không phải trong rượu được chưng cất theo truyền thống (rượu đế).

Để an toàn, mỗi người không nên uống quá nhiều rượu, bia; tuyệt đối không uống rượu dù là uống ít khi rượu không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền; không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính, mật cá hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

* PV: Không ít người cho rằng, sử dụng rượu “xịn”, rượu đắt tiền sẽ hạn chế tác hại cho sức khỏe, điều này có đúng không, thưa bác sĩ?

* BS CKII Nguyễn Văn Thành: Điều này không hoàn toàn đúng, vì việc sử dụng rượu, bia có chất lượng đảm bảo, nguồn gốc rõ ràng sẽ tránh được tác động của các chất độc hại do sản phẩm kém chất lượng gây ra. Tuy nhiên, rượu “xịn”, rượu đắt tiền cũng là rượu và cơ chế tác động đến sức khỏe là như nhau. Do đó, uống rượu, bia phải có chừng mực, không nên lạm dụng. Bởi lạm dụng rượu thường xuyên sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề và nguy hiểm cho sức khỏe.

Chúng tôi từng thực hiện nghiên cứu trên 78 bệnh nhân (77 nam, 1 nữ) điều trị tại khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cho thấy, kết quả phần lớn bệnh nhân đều có tổn thương thần kinh. Cụ thể, trên 90% người bị teo não; 26,1% bị nhồi máu não; 13,1% bị xuất huyết não. Những tổn thương này dẫn đến 65% bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật (chân, tay run…); hơn 77% người bị sa sút trí nhớ; 51,2% bị có giật do ngưng rượu; 13,1% bị hoang tưởng ghen tuông do rượu… Ngoài các tổn thương thần kinh, người nghiện rượu còn mắc các chứng bệnh nguy hiểm khác như viêm gan, xơ gan, tim mạch, viêm tụy… Kết quả nghiên cứu này đã chứng minh tác hại vô cùng nguy hiểm của việc lạm dụng rượu đối với cơ thể con người.

* PV: Bác sĩ có thể hướng dẫn cách xử trí khi ngộ độc rượu, bia?

* BS CKII Nguyễn Văn Thành: Khi sử dụng nhiều rượu, bia sẽ dẫn đến tình trạng chung là say. Say rượu là tình trạng của ngộ độc. Do đó khi thấy người thân có biểu hiện say rượu, người nhà cần kê gối thấp cho nằm, đầu hơi nghiêng 1 bên để khi bệnh nhân có nôn thì tránh hít ngược vào phổi; cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (nhưng tránh gió lùa); cho uống nhiều nước; sau 2 - 3 giờ ngủ, người thân có thể lay gọi người say rượu dậy ăn cháo hoặc uống sữa để tránh tình trạng hạ đường huyết; đồng thời, kiểm tra tình trạng say rượu ở mức độ nào.

Người say rượu cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu khi có các dấu hiệu như nôn liên tục, đặc biệt khi dịch nôn có máu, lay gọi không tỉnh; sau 2-3 giờ, vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu, co giật, thở chậm, thở không đều, tím tái…

Nói chung, chúng ta khó tránh khỏi việc uống rượu, bia trong những cuộc họp mặt, đám tiệc cũng như dịp lễ, tết... Tuy nhiên, mỗi người cần chủ động quyết định uống rượu, bia như thế nào, liều lượng bao nhiêu để giữ cho cuộc vui được trọn vẹn, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra do rượu, bia. Đặc biệt, với Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia vừa có hiệu lực vào ngày 1-1-2020, người uống rượu, bia tuyệt đối không nên lái xe khi tham gia giao thông để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra cho bản thân và người khác.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

MAI HÀ (thực hiện)

.
.
.