.

Vì sao uống rượu, bia không có ngưỡng nào là an toàn?

Cập nhật: 15:29, 12/01/2020 (GMT+7)
Không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy, uống một lượng rất nhỏ rượu, bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.

Trước những băn khoăn của người dân xung quanh quy định xử phạt hành chính liên quan tới nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo khẳng định uống rượu, bia không có ngưỡng nào là an toàn.

 Không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy, uống một lượng rất nhỏ rượu, bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Hoàng Long

Theo Cục Y tế dự phòng, khi nói đến tác hại của rượu bia, mọi người thường nghĩ ngay đến tai nạn giao thông và rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, trong thực tế, hậu quả của uống rượu, bia đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2016, Việt Nam có tổng cộng 549.000 ca tử vong do mọi nguyên nhân thì trong đó rượu, bia được quy cho là nguyên nhân gây ra khoảng 39.000 ca, chiếm 7,2% tổng số tử vong.

Tác hại của rượu bia chính là do chất cồn (ethanol) gây ra và trong thực tế không thể có được một tiêu chuẩn chung uống bao nhiêu là có hại.

“Việc dung nạp và nguy cơ do uống rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính, các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu, bia khác nhau. Nói một cách khác, không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy, uống một lượng rất nhỏ rượu, bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định”, Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Tiếp tục dẫn công bố của WHO, Cục Y tế dự phòng cho biết, những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất nhỏ rượu, bia.

Cụ thể, một người có nồng độ cồn trong máu =0,01g/dl, tương đương với việc mới chỉ uống một ngụm rượu hoặc 1/4 lon bia thôi thì đã bắt đầu có các rối loạn như: giảm các chức năng của não bộ trung tâm, tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế, rối loạn điều chỉnh phối hợp động tác, động tác không nhất quán, từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát tốc độ, duy trì hướng, phản xạ phanh… trong khi điều khiển phương tiện giao thông.

“Vì vậy uống rượu bia trước và trong khi lái xe làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nặng nề”, Cục Y tế dự phòng nêu rõ.

Trong khi đó, ghi nhận tại một số cơ sở y tế cho thấy sau hơn một tuần thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, số vụ tai nạn và tai nạn giao thông có liên quan tới rượu bia có chiều hưởng giảm khá nhiều.

Theo đại diện Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, trong tháng 12-2019, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 90 ca cấp cứu, trong đó 20% là tai nạn do lái xe có nồng độ cồn. Tuy nhiên, từ ngày đầu tháng 1-2019 tới nay, bệnh nhân tai nạn giao thông do uống rượu bia giảm còn 8%.

Còn tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn, lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông một tuần gần đây giảm 50%. Nếu như ngày thường phòng khám cấp cứu tiếp nhận 120-130 bệnh nhân thì nay là 60-70 người.  

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.