Hiểu thêm về dịch bệnh Covid-19
Thế giới đang phải đối mặt với sự bùng phát của bệnh hô hấp do một loại virus Corona mới đã được phát hiện lần đầu tiên tại TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Hiện nay, căn bệnh này đã xuất hiện ở 32 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu kể cả Hoa Kỳ. Ngày 11-2, Ủy ban Quốc tế về phân loại virus công bố tên của vi rút gây bệnh là SARS-CoV-2 và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt tên chính thức cho căn bệnh mà vi rút này gây ra là Covid-19 (bệnh Coronavirus 2019).
Bộ dụng cụ xét nghiệm trong phòng thí nghiệm CDC cho bệnh Covid-19. |
NGUỒN GỐC CỦA SARS-CoV-2
Virus Corona là một họ vi rút lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau, bao gồm: Lạc đà, gia súc, mèo và dơi. Hiếm khi, Coronavirus động vật có thể lây nhiễm trực tiếp cho người và sau đó là lây lan giữa người với người như: MERS-CoV, SARS-CoV và bây giờ là SARS-CoV-2. Cả 3 loại vi rút này đều có nguồn gốc từ loài dơi. Trình tự mắc bệnh từ các bệnh nhân ở Hoa Kỳ tương tự như trình tự mà những ca bệnh ban đầu ở Trung Quốc đã ghi nhận. Điều này cho thấy rằng, có khả năng loại vi rút gần đây xuất hiện từ một ổ động vật.
Hiện nay, CDC đã phát triển một bộ xét nghiệm mới nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh Covid-19. Bộ dụng cụ xét nghiệm được gọi là “CDC 2019-Novel Coronavirus Real-Time PCR Diagnostic Panel” dùng cho dòng máy Applied Biosystems 7500 Fast DX Real-Time PCR với phần mềm SDS 1.4. Bộ xét nghiệm này được thiết kế sử dụng cho cả mẫu hô hấp trên và dưới được thu thập từ những người phù hợp các tiêu chí để xét nghiệm Covid-19. Bộ xét nghiệm dự kiến được sử dụng trong các phòng thí nghiệm do CDC chỉ định đạt tiêu chuẩn và riêng tại Hoa Kỳ được chứng nhận phù hợp Quy định cải tiến phòng xét nghiệm lâm sàng (CLIA) để thực hiện các xét nghiệm có độ phức tạp cao. Các bộ dụng cụ xét nghiệm cũng sẽ được chuyển đến các phòng thí nghiệm quốc tế đủ tiêu chuẩn, chẳng hạn như các phòng thí nghiệm trong Hệ thống ứng phó với giám sát dịch cúm toàn cầu của WHO. |
Tại TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi đầu tiên trên thế giới xuất hiện nhiều bệnh nhân trong vụ dịch Covid-19. Theo ghi nhận ban đầu, các bệnh nhân này mắc bệnh bắt nguồn từ chợ chuyên bán hải sản và động vật sống với số lượng lớn. Sau đó, ngày càng nhiều bệnh nhân được báo cáo là không tiếp xúc với động vật; qua đó cho thấy, căn bệnh này có sự lây lan từ người sang người kể cả các trường hợp mắc bệnh bên ngoài Trung Quốc, trong đó có cả Hoa Kỳ.
COVID-19 LÂY LAN NHƯ THẾ NÀO?
Có thể nói, sự hiểu biết hiện tại về cách thức vi rút gây bệnh Covid-19 lây lan phần lớn dựa trên những gì đã biết về các chủng Coronavirus tương tự, tức là:
Sự lây lan từ người sang người, đây được cho là đường lây lan chủ yếu, giữa những người tiếp xúc gần gũi với nhau (trong khoảng 1,8 mét) thông qua các giọt hô hấp khi một người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Những giọt này có thể rơi vào miệng hoặc mũi của những người ở gần hoặc có thể được hít vào phổi.
Lây lan từ tiếp xúc với bề mặt hoặc vật thể bị nhiễm bệnh, một người có thể nhiễm Covid-19 bằng cách chạm vào bề mặt hoặc vật có vi rút và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc có thể là mắt của họ, nhưng đây không phải là con đường chính để vi rút lây lan.
Một người được cho là dễ lây lan nhất khi họ có nhiều triệu chứng nhất (bệnh nặng nhất). Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh vẫn lây lan trước khi xuất hiện các triệu chứng, đã có báo cáo về những trường hợp này đối với chủng Coronavirus mới này, nhưng đây không được cho là cách lây lan chính của vi rút.
Như vậy, khả năng một vi rút lây lan dễ dàng từ người sang người có thể khác nhau, một số loại vi rút thì rất dễ lây lan như sởi, trong khi các vi rút khác thì ít hơn. Một yếu tố khác là liệu sự lây lan này có tiếp tục diễn ra qua nhiều thế hệ con người hay không nếu điều này được duy trì. Vi rút gây ra Covid-19 dường như đang lây lan dễ dàng và bền vững ở tỉnh Hồ Bắc và các khu vực khác của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, sự lây lan từ người sang người chỉ xảy ra trong một vài trường hợp tiếp xúc gần và không lan truyền thêm cho đến nay.
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH COVID-19
Đối với những trường hợp bệnh Coronavirus (Covid-19) được xác nhận năm 2019, các bệnh được báo cáo đã thay đổi từ các triệu chứng nhẹ đến bệnh nặng và tử vong. Các triệu chứng có thể bao gồm: Sốt, ho, khó thở. Theo nhận định của WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại thời điểm này, các triệu chứng của Covid-19 có thể xuất hiện sớm nhất là 2 ngày hoặc đến 14 ngày sau khi tiếp xúc. Điều này dựa trên những gì đã được xem trước đây là thời kỳ ủ bệnh của virus MERS-CoV.
Hiện tại, không có vắc xin để ngăn ngừa bệnh Covid-19 cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, những người mắc Covid-19 sẽ được chăm sóc hỗ trợ để giúp giảm triệu chứng. Đối với các trường hợp nghiêm trọng, việc điều trị nên bao gồm cả chăm sóc để hỗ trợ các chức năng quan trọng của các cơ quan trong cơ thể. Do đó, cách tốt nhất để phòng bệnh là tránh tiếp xúc với loại vi rút này. Cách phòng ngừa, là thay đổi những thói quen hằng ngày nhằm giúp ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp, bao gồm:
- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh; tránh chạm vào mắt, mũi và miệng. Ở nhà khi mắc bệnh, che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy; sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác. Làm sạch, khử trùng các đồ vật và bề mặt thường xuyên chạm vào bằng các chất tẩy rửa thông thường trong gia đình.
- Sử dụng khẩu trang, điều này được CDC không khuyến nghị việc mang khẩu trang sẽ bảo vệ bản thân khỏi các bệnh về đường hô hấp, bao gồm Covid-19. Vì vậy, nên sử dụng khẩu trang cho những người có triệu chứng Covid-19 nhằm giúp ngăn ngừa sự lây lan bệnh sang người khác. Việc sử dụng khẩu trang cũng rất quan trọng đối với nhân viên y tế và những người đang chăm sóc người bệnh tại nhà hoặc tại cơ sở y tế.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với dịch tiết mũi họng (dịch mũi, ho hoặc hắt hơi). Nếu xà phòng và nước không có sẵn, thì hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn với ít nhất 60% cồn. Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước nếu bàn tay bẩn.
Covid-19 là căn bệnh mới nổi và có nhiều điều để tìm hiểu về khả năng truyền bệnh, mức độ nghiêm trọng và các tính năng khác cũng như những gì sẽ xảy ra. Các thông tin mới sẽ tiếp tục được thông báo nhằm đánh giá cụ thể những rủi ro mà dịch bệnh này gây ra cho cộng đồng.
BS CKII LÊ ĐĂNG NGẠN
(Cập nhật tài liệu của WHO và CDC
ngày 22-2-2020)