Thứ Bảy, 08/02/2020, 09:51 (GMT+7)
.

Kế hoạch phòng, chống bệnh nCoV khi chưa nhận được ca bệnh

Sở Y tế Tiền Giang ban hành Kế hoạch 307 phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm chủ động phòng ngừa không để dịch bệnh nCoV xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nếu có dịch bệnh xảy ra thì nhanh chóng phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc phải để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong.

Theo đó, Kế hoạch có 3 tình huống và hoạt động chính trong từng tình huống (tình huống 1, khi chưa ghi nhận ca bệnh; tình huống 2, khi xuất hiện các ca bệnh và tình huống 3, khi dịch lây lan trong cộng đồng).

Đối với tình huống 1 khi chưa ghi nhận ca bệnh (giai đoạn hiện nay) thì công tác chỉ đạo, kiểm tra: Chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh, giám sát phát hiện ổ dịch tại các địa phương, đơn vị; tăng cường hoạt động phòng, chống dịch bệnh của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp. Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương. Thành lập, kiện toàn các đội đáp ứng nhanh, tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế. Củng cố phòng xét nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, thuốc, hóa chất, sinh phẩm. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác giám sát, sẵn sàng thu dung, điều trị, xử lý ổ dịch tại các địa phương. Báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế, UBND tỉnh.

Công tác truyền thông: Kịp thời cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội về tình hình dịch bệnh trong nước và nước ngoài, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Xây dựng các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch tại các cơ sở điều trị và cộng đồng. Truyền tải các thông điệp, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh tới các đoàn du lịch, người lao động tới các vùng có dịch; cung cấp hướng dẫn những hành khách tự theo dõi tình trạng sức khỏe và chủ động liên hệ với các đơn vị y tế khi cần thiết. Theo dõi và quản lý các tin đồn về tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý, cung cấp thông tin kịp thời, phù hợp.

Công tác giám sát, dự phòng: Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân có yếu tố dịch tễ liên quan đến vùng có dịch (TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), giám sát các trường hợp nghi ngờ khách du lịch, người nước ngoài đến Tiền Giang thông qua việc quản lý, khai báo của các ngành chức năng: Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Cảng vụ hàng hải, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB), tại cộng đồng. Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, sinh phẩm y tế để lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang để chuyển Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm chẩn đoán khi có trường hợp nghi ngờ. Nâng cao năng lực giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở KCB, ở cộng đồng. Tăng cường giám sát các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại các cơ sở KCB. Tổ chức tập huấn cho các cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch cập nhật về các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong giám sát, phòng chống dịch. Thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp. Thành lập các đội đáp ứng nhanh, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý ổ dịch.

Công tác điều trị: Thực hiện giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm phổi nặng, đặc biệt các trường hợp có tiền sử đi đến từ vùng có dịch. Các cơ sở KCB chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Tổ chức phân loại bệnh ngay từ khi bệnh đến đăng ký khám bệnh: Người có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…) phải được phân luồng và khám, tư vấn tại buồng khám bệnh riêng biệt, khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày, nếu thấy nghi ngờ các trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời. Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở KCB. Xây dựng phương án hỗ trợ tuyến dưới khi có dịch bệnh xảy ra hoặc trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường. Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu. Tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm nCoV tại các cơ sở KCB và các tuyến.

Công tác hậu cần: Dự trù, rà soát tình hình thuốc, vật tư, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác giám sát, xứ lý ổ dịch, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, xây dựng kế hoạch sửa chữa, bổ sung và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chuẩn bị 1 xe cứu thương thường trực và chỉ sử dụng riêng cho vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân bệnh dịch đặt tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang. Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra. Công tác hợp tác đơn vị đầu mối: Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để thực hiện tốt công tác giám sát, các cơ sở y tế tuyến trên để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc tiếp nhận, quản lý các trường hợp nghi ngờ về từ vùng dịch.

M.T

.
.
.