Ngoáy mũi, miệng - nguy cơ cao nhiễm nCoV
Bà mẹ đưa con gái 4 tuổi đến bác sĩ khám vì bị sổ mũi kéo dài. Bà hỏi bác sĩ: Cháu đưa tay lên mũi, miệng ngoáy hoài, có lây nhiễm nCoV không bác sĩ? Bác sĩ giải thích cho bà mẹ: Các bé đưa tay lên dụi mắt, ngoáy mũi, miệng là một phản xạ tự nhiên.
Riêng cháu bị viêm mũi thì có triệu chứng ngứa mũi, nên đưa tay ngoáy mũi nhiều, nhưng là hành động không tốt, dễ bị lây nhiễm bệnh, như bệnh nCoV hiện nay.
Nhìn thấy vùng trước mũi của cháu bị loét, dịch mũi vàng đục, bác sĩ khám, cho toa thuốc uống và dung dịch rửa mũi, căn dặn bà mẹ không cho cháu đưa tay lên mũi, miệng ngoáy.
Về mặt chuyên môn, bàn tay mình nếu không rửa sạch đúng cách sẽ dính nhiều chất dơ, trong đó có những hạt nước mũi, nước bọt, đàm của người bệnh nhiễm virus, vi trùng dính vào các vật dụng xung quanh như bàn, ghế, chén đũa, khăn mặt, tay nắm cửa, sàn nhà..., kể cả trên khẩu trang, nếu mình đưa tay lên mắt, mũi, miệng thì sẽ đưa cả virus, vi trùng xâm nhập vào niêm mạc mũi, miệng hoặc đường thở gây bệnh.
Chúng ta biết, virus chỉ sống trong tế bào, vì nó là loại tế bào không hoàn chỉnh, phải sống ký sinh trong các tế bào còn sống, lấy các nguyên liệu của tế bào sống để sinh sôi, phát triển. Nếu virus được tống ra khỏi tế bào sẽ tự chết, không phát triển được.
Trong dịch nhầy của mũi, họng, phổi, dạ dày, ruột đều có chứa nhiều chất đạm, kháng thể, tế bào bạch cầu và tế bào niêm mạc, khi bị tróc ra có khi chứa cả máu của người bệnh. Vì vậy dịch tiết của bệnh nhân khi hắt hơi, sổ mũi sẽ chứa nhiều virus và vi khuẩn. Thời gian gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy virus Corona trong phân và bệnh phẩm trực tràng của bệnh nhân nhiễm nCov.
Bệnh nhân đầu tiên nhiễm nCov của Mỹ cũng thấy virus này trong phân lỏng. Như vậy, ngoài con đường hô hấp, nCoV còn lây qua đường tiêu hóa. Con đường lây đầu tiên trước khi trận dịch này xảy ra là từ các động vật dơi, rắn sang người, sau đó khi virus biến thể thì hiện nay lây trực tiếp từ người sang người.
Hiểu biết con đường lây nhiễm, bà con sẽ biết cách phòng, chống có hiệu quả.
Thứ nhất, để tránh lây đường hô hấp, bà con cần đeo khẩu trang khi đi làm việc, khi đến chỗ đông người, tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh quá gần (dưới 1 m), không chạm tay vào khẩu trang khi tháo ra, chỉ chạm trên dây đeo, không đưa tay lên mắt, miệng, mũi khi chưa rửa tay.
Thứ hai, không để tay chạm vào những dụng cụ mà người bệnh đã dùng hoặc đã chạm vào trước đó, hạn chế bắt tay chào hỏi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hay dung dịch rửa tay, tránh ăn uống đồ sống chưa được nấu chín, không tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã, các chất thải của người bệnh. Bồi dưỡng cơ thể, uống nhiều nước, ăn trái cây... giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
BS. NGUYỄN THÀNH ÚC