Thứ Ba, 04/02/2020, 23:10 (GMT+7)
.

Tình người trong phòng chống dịch nCoV

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt từ phía cơ quan chức năng, nhiều tổ chức, cá nhân tại miền Trung tự nguyện mua khẩu trang tặng người dân, cũng như đấu tranh với những trường hợp lợi dụng dịch bệnh, tung tin đồn thất thiệt hoặc tăng giá các mặt hàng phục vụ công tác phòng dịch nCoV.
 
"Vui lòng lấy một cái nếu cần. Không bán khẩu trang"
 
Tại Thừa Thiên – Huế, giữa lúc giá khẩu trang và nước xịt tay khử trùng- hai vật dụng được giới y khoa khuyến cáo cần sử dụng để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virus Corona ở nơi đông người trên thị trường tăng vọt thì nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện chia sẻ khẩu trang miễn phí cho người dân và du khách. Thầy Trương Thế Quy, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐHSP Huế mua 1.000 khẩu trang y tế, phát tặng sinh viên đến trường sau kỳ nghỉ tết.
 
Bệnh viện Trung ương Huế cắt cử cán bộ phát miễn phí hàng nghìn khẩu trang cho bệnh nhân đến khám bệnh. Một số nhà thuốc tại đường Ngô Quyền (TP. Huế) tặng khẩu trang y tế miễn phí cho khách hàng. Một số quán cà phê, đơn vị lữ hành ở Huế cũng phát tặng khẩu trang y tế cho các hướng dẫn viên, người đạp xích lô, khách du lịch…
 
a
Chị Diệu Huyền mua hàng ngàn khẩu trang trao tặng cho người dân và du khách tại Huế phòng chống dịch
 
Tại Hà Tĩnh, một số cơ sở kinh doanh, quầy thuốc cũng cấp phát miễn phí hàng ngàn chiếc khẩu trang y tế các loại cho người dân. Trong đó, người nhà bệnh nhân và rất nhiều người dân trong vùng đã đến siêu thị bán thuốc tây và thiết bị y tế Phương Dung (TP. Hà Tĩnh) để nhận khẩu trang y tế miễn phí. Mỗi người được phát 2 khẩu trang nên chỉ trong thời gian ngắn, siêu thị đã phát hết 5.000 chiếc khẩu trang. Dược sĩ Uông Thị Phương Dung, chủ siêu thị bán thuốc tây và thiết bị y tế Phương Dung, cho biết, bỏ tiền túi đặt hàng mua 5.000 chiếc khẩu trang y tế với giá 15 triệu đồng và sáng ngày 1-2 bắt đầu cấp phát miễn phí cho mọi người dân. “Mong rằng sẽ góp một phần nhỏ của mình trong việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona và giúp người dân tự bảo vệ sức khỏe của bản thân…”, chị Dung chia sẻ.
 
Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã vận động 10 doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế tiến hành cấp phát miễn phí được gần 10.000 chiếc khẩu trang y tế và trên 3.000 gel rửa tay… cho người dân. Đây thực sự là những hành động ý nghĩa, nghĩa cử cao đẹp, góp phần chung tay cùng cả hệ thống chính trị ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.
 
Trái ngược với tình cảnh "cháy" hàng khẩu trang y tế, một số cơ sở kinh doanh, quầy thuốc tây ở Đà Nẵng phát miễn phí khẩu trang cho người dân và du khách. Trong đó, nhà thuốc Đông Giang (số 32 Nguyễn Văn Thoại, Đà Nẵng), nơi có nhiều du khách nước ngoài tham quan, ăn uống, tắm biển..., dán bảng thông báo bằng tiếng Anh và tiếng Việt về việc phát miễn phí khẩu trang cho người dân và du khách. Tại quầy tiếp khách của nhà thuốc bố trí hai khay kính chứa khẩu trang y tế kèm dòng chữ: "Vui lòng lấy một cái nếu cần. Không bán khẩu trang".
 
Tổng lực phòng chống dịch bệnh
 
Dịch viêm phổi cấp là "thủ phạm" đứng đằng sau cơn sốt khẩu trang và nước xịt tay khử trùng những ngày qua. Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mọi người phát hiện việc nâng giá, bán hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến khẩu trang, nước súc miệng, nước rửa tay sát khuẩn... trên địa bàn thì phản ánh qua ứng dụng Hue-S hoặc trang Facebook đô thị thông minh để kiểm tra, xử lý. Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế rà soát số lượng khẩu trang y tế hiện có, mua bổ sung để đảm bảo tối thiểu 2 triệu cái khẩu trang y tế nhằm cung ứng đầy đủ cho nhu cầu của người dân.
 
Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm phổi cấp do virus Corona (nCoV) gây ra, chính quyền các tỉnh, thành miền Trung đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh. Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẩn trương cấp hóa chất, vật tư về các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, đồng thời thành lập 2 đội phản ứng nhanh. Sở Y tế đã phân công các bệnh viện trong việc tiếp nhận, xử lý các ca bệnh nghi ngờ theo từng khu vực (nếu có). Trường hợp vượt quá khả năng sẽ chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế theo chỉ định của Bộ Y tế, cũng như thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin về dịch bệnh, các ca nghi nhiễm...
 
Còn theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng, ngành y tế đang theo dõi 21 trường hợp nghi ngờ bệnh do nCoV, gồm 5 người nước ngoài, 16 người Việt Nam tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định, chỉ 6 người trong số đó có biểu hiện sốt nhẹ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng đã lấy 39 mẫu xét nghiệm bệnh do nCoV. Hiện 32 mẫu đã có kết quả và tất cả đều âm tính. “Chúng tôi chọn Bệnh viện Phổi làm nơi theo dõi, cách ly ban đầu đối với những bệnh nhân nghi nhiễm. Đây là phương án hiệu quả, an toàn bởi Bệnh viện Phổi được thiết kế đúng chuẩn về điều trị bệnh truyền nhiễm. Thành phố đồng ý chi gần 20 tỷ đồng mua trang thiết bị hỗ trợ thiết yếu”, bà Yến thông tin.
 
(Theo sggp.org.vn)
.
.
.