.

Những 'lá chắn thép' trong dịch COVID-19: 'Biệt đội' truy tìm virus

Cập nhật: 15:55, 26/04/2020 (GMT+7)

 Không “xông pha” ở nơi tuyến đầu điều trị cho người bệnh, cũng không trực tiếp tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm nhưng họ lại miệt mài bên trong những phòng thí nghiệm để “truy tìm” virus SARS-CoV-2, tác nhân gây nên đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.

(Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Hơn 90 ngày đêm chống dịch cũng là hơn 90 ngày đêm phòng xét nghiệm ở Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh sáng đèn.

Hành trình “truy tìm” chủng mới của virus corona

Phó Giáo sư, tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng ở Trung Quốc, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã bắt tay nghiên cứu về loại virus này. Đi đầu có thể kể đến là Đại học Y khoa Charité (Đức) đã công bố quy trình xét nghiệm RT-PCR (phản ứng tổng hợp chuỗi phiên mã ngược) để tìm ra chủng mới của virus corona (sau này được Tổ chức Y tế thế giới đặt tên là virus SARS-CoV-2).

Tại Việt Nam, dù chưa xuất hiện ca bệnh mang chủng mới của virus Corona nhưng dự đoán dịch có thể lây lan bất cứ lúc nào, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị tâm thế “nghênh đón.”

Từ quy trình xét nghiệm của Đại học Y khoa Charité, các chuyên gia Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt hàng một công ty trong nước nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm. Đến ngày 22-1, sinh phẩm xét nghiệm chủng mới của virus corona đã có mặt tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự chủ động đón đầu của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả khi đêm 22-1, hai mẫu bệnh phẩm của hai cha con người Trung Quốc nghi ngờ nhiễm chủng mới của virus Corona đầu tiên tại Việt Nam được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển đến Viện Pasteur xét nghiệm.

Bác sỹ Lương Chấn Quang, Phó trưởng Khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại: Khoảng 21 giờ ngày 22-1, thông tin về hai trường hợp nghi ngờ nhiễm chủng mới của virus corona được thông báo đến lãnh đạo Viện Pasteur, tôi lên đường đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, kỹ thuật viên phòng xét nghiệm được điều động đến chuẩn bị nhận mẫu để xử lý, xét nghiệm. Chỉ sau 4 giờ, kết quả đã khẳng định hai bệnh nhân dương tính với chủng mới của virus corona.

Từ kết quả của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tối 23-1, Bộ Y tế công bố hai ca mắc bệnh viêm đường hô cấp cấp cho chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam.

Cán bộ y tế xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nhiễm và nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 tại labo. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Cán bộ y tế xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nhiễm và nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 tại labo. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Đây được xem là nỗ lực và thành công lớn của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và ngành Y tế Việt Nam trong giai đoạn đầu chống lại dịch bệnh nguy hiểm này.

Chia sẻ về thành công trong xét nghiệm phát hiện ra hai ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam, phó giáo sư-tiến sỹ Phan Trọng Lân cho rằng, đây là công trình mang đậm dấu ấn tập thể của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện xét nghiệm để tìm ra chủng mới của virus corona cũng gặp nhiều khó khăn do trong giai đoạn đầu thiếu sinh phẩm nên không thể thực hiện được bước khẳng định thứ 3.

Do đó, lãnh đạo Viện đã chủ động liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhờ xác minh lại. Cuối cùng WHO khẳng định, kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn chính xác.

Sau thành công đầu tiên, các nhà khoa học của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp viết nên bài báo khoa học, sau đó được đăng tải trên tạp chí The New England Journal of Medicine (NEJM) - Tạp chí y khoa có uy tín bậc nhất thế giới.

Việc này một lần nữa khẳng định sự chuẩn bị kỹ càng cùng những đóng góp của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm của thế kỷ: COVID-19.

Trắng đêm tìm virus

Từ Tết Nguyên đán đến nay, với chị Nguyễn Thu Ngọc, kỹ thuật viên Phòng virus hô hấp vi sinh miễn dịch, thời gian ở Viện nhiều hơn ở nhà. Có những ngày, chị ở cơ quan đến tận 22-23 giờ và sáng hôm sau lại dậy sớm, tất tả tới Viện.

“Dù trước đó, tôi từng trải qua giai đoạn dịch SARS (năm 2003), nhưng chưa bao giờ thấy công việc lại áp lực như trong đợt dịch COVID-19 này,” chị Thu Ngọc chia sẻ.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Cúm quốc gia-Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn đầu, lượng mẫu xét nghiệm còn ít, Viện chỉ huy động 12 nhân sự thuộc Phòng Cúm tham gia làm công tác xét nghiệm nhưng càng về sau, số lượng mẫu xét nghiệm đổ về ngày một nhiều. Nhất là thời điểm dịch bệnh lây lan và Việt Nam tiếp nhận số lượng lớn người nhập cảnh, áp lực xét nghiệm càng trở nên nặng nề.

Mỗi ngày, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận hàng ngàn mẫu bệnh phẩm từ 22 tỉnh, thành phía Nam gửi về. “Chúng tôi đã phải huy động toàn bộ các khoa chuyên môn của Viện làm việc liên tục 3 ca mỗi ngày. Đây đều là các chuyên gia, kỹ thuật viên “thiện xạ” nhất, được đào tạo bàn bản tại các nước như Nhật, Mỹ, Pháp...” - Tiến sỹ Long cho hay.

Để kịp thời có kết quả xét nghiệm nhanh nhất, chính xác nhất, các kỹ thuật viên của Viện Pasteur phải làm việc thâu đêm, có khi không kịp ăn uống. Mỗi một lần ở phòng xét nghiệm khoảng 3 giờ, với bộ quần áo bảo hộ kín mít rất khó chịu nhưng các nhân viên xét nghiệm luôn tập trung cao độ để có kết quả chính xác nhất và có một nguyên tắc ai cũng phải nằm lòng là không được phép nhầm lẫn.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, áp lực càng lớn ở những thời điểm khi có đợt những người cách ly gần đủ 14 ngày theo quy định, số lượng mẫu bệnh phẩm gửi về càng nhiều và cần phải xét nghiệm gấp để trả kết quả.

Mức độ ưu tiên xét nghiệm được Viện Pasteur phân loại như sau: Ưu tiên cao nhất là phải xét nghiệm cho các ca nghi ngờ, để kịp thời cách ly các đối tượng tiếp xúc liên quan. Ưu tiên thứ hai là những người đủ 14 ngày cách ly, phải trả kết quả nhanh để họ được về với gia đình và cộng đồng.

“Chúng tôi không nghĩ là sẽ đạt được thành tích nọ kia mà chỉ mong làm sao xét nghiệm nhanh, chính xác, kịp thời bởi chúng tôi biết, có nhiều người mong chờ kết quả từ chúng tôi,” Bác sỹ Long tâm sự.

Hiện nay, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh có thể xét nghiệm tìm virus SARS-CoV-2 khoảng 3.500 mẫu/ngày, thời gian xét nghiệm đã rút ngắn chỉ từ 3 - 3,5 giờ.

Khi được hỏi niềm vui lớn nhất mỗi ngày của các anh chị là gì, ai cũng cho hay niềm vui lớn nhất là trong hàng ngàn mẫu bệnh phẩm gửi về không còn trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chỉ khi đó, bình yên mới đến với mọi người dân trên đất nước hình chữ S này và các phòng xét nghiệm không còn ở trạng thái sáng đèn thâu đêm; các chuyên gia, kỹ thuật viện được quay trở về với quy luật làm việc thường ngày.

(Theo TTXVN)

 

.
.
.