Thứ Hai, 06/04/2020, 20:33 (GMT+7)
.

Thủ tướng: Sự chấp hành của người dân giúp chống dịch COVID-19 đạt kết quả tích cực

Thủ tướng nêu rõ, ở giai đoạn này, sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Thời gian qua, người dân đã tuân thủ tốt, nhờ đó, công tác chống dịch đạt một số kết quả tích cực.
 
Hôm nay (ngày 6-4) Việt Nam đã trải qua đúng 1 tháng kể từ giai đoạn II. Nếu kể từ ngày phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên thì đã qua 2 tháng rưỡi. Có thể khẳng định tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh.
 
Bởi trong bối cảnh dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới thì Việt Nam có 241 người nhiễm bệnh, đứng thứ 96 trên thế giới về số ca nhiễm và là 1 trong 3 nước có trên 200 ca nhiễm bệnh mà chưa có người tử vong.
 
a
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có tín hiệu tích cực khi mà trong những ngày qua, số ca nhiễm mới ít, số ca ra viện tăng

 

Cảm ơn Nhân dân đồng lòng chống dịch
 
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 khi việc cách ly toàn xã hội bước sang ngày thứ 6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có tín hiệu tích cực khi mà trong những ngày qua, số ca nhiễm mới ít, số ca ra viện tăng và trong xã hội xuất hiện nhiều tấm gương tương thân, tương ái. 
 
Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg làm cuộc sống của người dân thay đổi. Thủ tướng nêu rõ, ở giai đoạn này, sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Và thời gian qua, người dân đã tuân thủ tốt, nhờ đó, công tác chống dịch đạt một số kết quả tích cực.
 
Đặt vấn đề về việc tiếp tục các Chỉ thị nêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến ngày 15/4, cần tiếp tục tập trung thực hiện giải pháp đưa ra, không được chủ quan, không để vấp phải sai lầm do chủ quan, coi thường, nhất là khi xảy ra việc tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới.
 
Trước đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định, tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh.
 
Theo Phó Thủ tướng, có được điều này là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Sự vào cuộc rất đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng. Nhưng đặc biệt và trên hết là nhờ có sự tham gia của Nhân dân ta với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”.
 
Ghi nhận 241 ca mắc với 150 người từ các ổ dịch nước ngoài (chiếm trên 62% số người mắc) và 91 người lây nhiễm thứ phát. Có 91/241 trường hợp đã khỏi bệnh. 4 bệnh nhân nặng đang có tiến triển tốt.
 
Thay mặt Ban chỉ đạo quốc gia, Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn Nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế.
 
Hơn thế, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ những cụ già tới các em nhỏ đã có muôn vàn hành động rất đẹp, hết sức ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch.
 
“Dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro. Chúng ta quyết không được chủ quan, lơi lỏng. Nhưng nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng”, Phó Thủ tướng khẳng định.
 
Nguy cơ vẫn hiện hữu, không được chủ quan
 
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia, trên thế giới ghi nhận hơn 1,23 triệu người mắc tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, có gần 70.000 người tử vong.
 
Tại Việt Nam (tính đến 12h hôm nay), ghi nhận 241 ca mắc với 150 người từ các ổ dịch nước ngoài (chiếm trên 62% số người mắc) và 91 người lây nhiễm thứ phát. Có 91/241 trường hợp đã khỏi bệnh. 4 bệnh nhân nặng đang có tiến triển tốt.
 
Nhận định tình hình dịch tại Việt Nam, Ban chỉ đạo quốc gia cho biết, trong 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 đã tăng gấp đôi từ 121 (23-3) lên 241 (5-4). Trong cùng thời gian đó, số ca mắc trên thế giới đã tăng gần 4 lần từ 341.632 (23-3) lên 1.273.709 (5-4). Việt Nam hiện chưa có ca tử vong nào trong khi trên thế giới trong 2 tuần qua, con số tử vong do COVID-19 đã tăng lên gần 5 lần.
 
Hiện Việt Nam có số mắc đứng thứ 98 trong số 210 các quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19. Phần lớn các trường hợp mắc ghi nhận tại Việt Nam là trường hợp xâm nhập từ nước ngoài với 62,9%, trong đó có 77,5% trường hợp đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 22,5% trường hợp xâm nhập được phát hiện tại cộng đồng.
 
Tuy nhiên diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, nên không được lơ là, chủ quan, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị trong thời gian tới các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 về cách ly xã hội, đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát, sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, dập dịch.
 
Chia sẻ quan điểm này, Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần cho biết, diễn biến dịch bệnh ở một số Đông Nam Á rất phức tạp, dự báo số người công dân Việt Nam về nước thời gian tới sẽ tăng lên. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tiếp tục quản lý chặt đường biên giới; giao các Quân khu ở phía Nam bố trí khu vực tạm cư cho công dân về nước.
 
Về công tác hậu cần, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện đã sản xuất được khẩu trang y tế và trang phục phòng hộ cho y bác sĩ từ nguồn nguyên liệu trong nước để phục vụ công tác phòng chống dịch trong nước và hướng tới xuất khẩu.
 
Về máy thở, hiện đang nghiên cứu sản xuất máy thở xâm nhập, không xâm nhập, sắp tới sẽ có máy thở thay thế nguồn nhập khẩu.
 
"Hiện số lượng trang thiết bị, vật tư y tế, máy thở, đồ bảo hộ... đã sẵn sàng cho tình huống xuất hiện 10.000 bệnh nhân mắc COVID-19. Đồng thời, Tiểu ban Hậu cần đang lên phương án chuẩn bị trang thiết thiết bị, vật tư y tế... cho các tình huống xấu hơn, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả", Thứ trưởng Trương Quốc Cường thông tin.
 
Liên quan đến công tác điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ đã ban hành công điện yêu cầu tất cả bệnh viện nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
 
Theo đó, tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng.
 
Thông tin một số "ổ dịch" lớn:
 
Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, tính đến 5/4/2020, đã thực hiện 8.683 xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trong đó có 8.652 mẫu âm tính, 22 mẫu dương tính đã công bố, chủ yếu từ công ty Trường Sinh. Thực hiện rà soát 52.239 người. Các địa phương đã thực hiện việc cách ly và kiểm soát hết người đến Bệnh viện Bạch Mai.
 
Liên quan đến chùm ca bệnh tại quán bar Buddha, đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 4.397 người, trong đó có 18 trường hợp dương tính. Đến nay đang tổ chức cách ly, theo dõi 222 người liên quan có tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính.
 
Liên quan đến bệnh nhân số 237 (người Thụy Điển), thực hiện rà soát, cách ly 455 trường hợp; lấy mẫu và xét nghiệm 101 nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy toàn bộ 101 mẫu xét nghiệm đối với nhân viên y tế đều có kết quả âm tính (lần 1).
 
(Theo enternews.vn)
 
.
.
.