.

TX. Gò Công: Nỗ lực đảm bảo an toàn thực phẩm

Cập nhật: 15:05, 06/04/2020 (GMT+7)

Sau hơn 9 tháng triển khai chuyên đề thi đua “Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP)”, TX. Gò Công đã phát động nhiều hoạt động hưởng ứng và đạt được kết quả đáng phấn khởi, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP.

Hộ kinh doanh ký cam kết tạm ngưng hoạt động theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Hộ kinh doanh ký cam kết tạm ngưng hoạt động theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Trưởng phòng Y tế TX. Gò Công Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong năm 2019 trên địa bàn TX. Gò Công có 578 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và 225 cơ sở buôn bán thức ăn đường phố. Triển khai thực hiện chuyên đề thi đua “Đảm bảo ATTP”, thời gian qua ngành Y tế đã phối hợp với cơ quan, ban, ngành tỉnh thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 116/177 cơ sở, đạt 65,53% (năm 2019 thẩm định và cấp 13 cơ sở); thực hiện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở thuộc ngành Y tế quản lý .

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra phối hợp liên ngành được thực hiện định kỳ theo kế hoạch và đột xuất khi có yêu cầu. Theo đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 577/578 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, qua đó phát hiện 16 cơ sở vi phạm (chiếm 2,8%), nhắc nhở 11 cơ sở, phạt tiền 5 cơ sở. Riêng đối với các xã, phường, thị xã kiểm tra 225/225 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, trong đó phát hiện 11 cơ sở vi phạm (chiếm 4,8%). Cũng trong năm 2019, ngành Y tế thị xã đã triển khai xây dựng mô hình Điểm thức ăn đường phố tại 6 đơn vị gồm: Phường  2, phường 5, các xã Long Thuận, Long Hưng, Long Chánh và Tân Trung. Hằng tháng, thị xã tổ chức đoàn giám sát tại các xã, phường để kiểm tra, đánh giá các mô hình điểm; đồng thời, báo cáo về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng cho biết, để đạt được kết quả trên, thời gian qua công tác đảm bảo ATTP của thị xã đã nhận được sự lãnh đạo sâu sát của Thị ủy, sự quan tâm, tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. UBND thị xã đã xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP và tổ chức triển khai thực hiện hằng năm, thường xuyên kiện toàn và duy trì quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP.

Song song đó, các xã, phường cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Ban Chỉ đạo cấp thị xã thực hiện giám sát định kỳ tại các xã, phường và tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Các ngành chức năng tham mưu UBND thị xã thực hiện tốt việc quản lý ATTP theo phân cấp. Đồng thời, tổ chức xây dựng mô hình điểm về vệ sinh ATTP trên lĩnh vực nông nghiệp và y tế đạt và vượt chỉ tiêu.

Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Nguồn lực cho công tác quản lý nhà nước về ATTP còn hạn chế, trong khi nhiệm vụ phải thực hiện quá nhiều. Một số quy định chế tài xử phạt còn nhiều bất cập, chưa cụ thể gây khó khăn cho việc áp dụng. Công tác quản lý thức ăn đường phố còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện, nhất là khám sức khỏe, cập nhật kiến thức vệ sinh ATTP. Công  tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tuy đã tác động đến đối tượng sản xuất, kinh doanh nhưng hiệu quả chưa cao.

“Để công tác đảm bảo vệ sinh ATTP thực hiện hiệu quả hơn, Ban Chỉ đạo tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ, đảm bảo kinh phí cho hoạt động này hằng năm ở tuyến huyện. Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ đánh giá tiêu chuẩn việc chấp hành của cơ sở trong vấn đề vệ sinh ATTP theo các thông tư hướng dẫn liên quan cho cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã. Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường phối hợp với Phòng Kinh tế, các ngành liên quan tại địa phương… kiểm tra và kiểm tra độc lập về vệ sinh ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm” - đồng chí Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ thêm.

LÝ OANH

.
.
.