Vắcxin là công cụ duy nhất có thể đưa thế giới trở lại bình thường
LHQ kêu gọi thế giới nhanh chóng phát triển một loại vắcxin phòng COVID-19 mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, cũng như đem lại “lợi ích chung toàn cầu” và giúp thế giới kiểm soát đại dịch.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định một loại vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 an toàn và hiệu quả có thể là công cụ duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế.
Các mẫu vắcxin phòng COVID-19 tại nhà máy của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 11-4-2020. Nguồn: THX/TTXVN |
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các đại diện của 50 quốc gia châu Phi là thành viên Liên hợp quốc, ông Guterres kêu gọi thế giới nhanh chóng phát triển một loại vắcxin phòng COVID-19 mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, cũng như đem lại “lợi ích chung toàn cầu” và giúp thế giới kiểm soát đại dịch.
Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cách tiếp cận hài hòa và phối hợp hiệu quả để đẩy nhanh tối đa tốc độ cũng như quy mô cần thiết cho việc triển khai một vaccine phòng COVID-19 vào cuối năm 2020.
Cũng theo người đứng đầu Liên hợp quốc, đến nay cơ quan này đã vận động được 20% mức đóng góp cho quỹ cứu trợ nhân đạo ứng phó với đại dịch COVID-19 trị giá 2 tỷ USD được ông kêu gọi hôm 25-3 vừa qua.
Ông Guterres cho biết thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên hợp quốc đã có thể trang bị cho 47 quốc gia châu Phi các bộ kit xét nghiệm COVID-19.
Cùng ngày, WHO cho biết tổ chức này không khuyến cáo sử dụng vắcxin bại liệt loại uống (OPV) để phòng ngừa bệnh COVID-19.
Trong báo cáo hằng ngày về tình hình dịch bệnh, WHO nêu rõ không có bằng chứng nào cho thấy vắcxin OPV có khả năng phòng bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Theo tổ chức này, kết quả thí nghiệm của các nghiên cứu công bố trong nhiều năm qua cho thấy OPV có tác dụng không đặc hiệu đối với hệ miễn dịch.
Dự kiến, các nhà khoa học ở Mỹ sẽ tiến hành một thử nghiệm lâm sàng đối với vắcxin OPV trong thời gian tới và WHO sẽ đánh giá, xem xét kết quả này.
(Theo TTXVN)