.

Phòng ngừa nổi rôm sảy ở trẻ sơ sinh trong mùa nắng nóng

Cập nhật: 15:28, 25/05/2020 (GMT+7)

Mới đây, một bé mới 30 ngày tuổi được mẹ đưa đến gặp bác sĩ để thăm khám, do tự dưng trên trán của bé nổi nhiều mục li ti màu trắng.

Qua tìm hiểu, thăm khám, bác sĩ cho biết: Việc nổi nhiều mục li ti của bé là do bé được giữ ấm bằng cách mặc thật nhiều quần áo ấm và cho đội mũ len thường xuyên trong mùa nắng nóng hiện nay.

Việc giữ ấm này đã vô tình làm cho bé càng nóng hơn, mồ hôi ra nhiều gặp quần áo dày bên ngoài và không thoát ra ngoài da được; vì vậy mồ hôi ứ lại trên mặt da tạo thành các nốt trắng như những hạt kê còn gọi là phát ban nhiệt hay rôm sảy.

Về chuyên môn, khi thời tiết nóng nực, phản xạ làm mát cơ thể bằng cách tiết mồ hôi, nhưng do trẻ còn nhỏ, các ống tuyến mồ hôi phát triển chưa hoàn chỉnh làm mồ hôi không thoát ra ngoài hết và bị ứ đọng lại trong da, nhất là khi các ống bài tiết ở da của bé bị bụi, quần áo bít kín khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng chứa nước trăng trắng.

Những sẩn nhỏ này nổi thành từng đám và thường xuất hiện ở những vùng da có nhiều mồ hôi như: Trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp của cơ thể…

Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi trời nóng, còn khi trời mát mẻ thì rôm sảy tự lặn hết, không gây tác hại gì. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp mụn rôm làm trẻ ngứa, gãi nhiều làm da bị trầy xước, bị nhiễm khuẩn thành những mụn mủ và phát triển thành nhọt.

Có 3 loại rôm sảy hay phát ban nhiệt: Rôm sảy dạng tinh thể (miliaria crystalina) thường xảy ra ở trẻ nhỏ do chậm phát triển các ống tuyến mồ hôi. Đây là loại rôm sảy nhẹ, nổi ở lớp ngoài cùng của da (lớp thượng bì), không có biểu hiện sưng nóng đỏ, đau.

Rôm sảy đỏ (miliaria rubra), loại phát ban nhiệt này còn gọi là nhiệt gai, phổ biến ở người lớn hơn là trẻ em. Rôm sảy đỏ thường xảy ra sâu hơn ở da (lớp bì). Các triệu chứng biểu hiện của loại phát ban nhiệt này bao gồm: Cảm giác ngứa hoặc châm chích, vết sưng đỏ trên da, thiếu mồ hôi ở vùng bị phát ban, viêm và đau da.

Trong một số trường hợp, những vết sưng này bị bội nhiễm vi trùng và có mủ. Rôm sâu (miliaria profunda) tức là loại mụn nhọt. Đây là loại rôm sảy ít phổ biến.

Rôm sâu thường xảy ra ở lớp hạ bì, giáp với lớp cơ của da. Bệnh thường gặp ở trẻ lớn, triệu chứng đặc trưng là mụn nhọt lớn và cứng, kèm sưng nóng đỏ, đau.

Điều trị rôm sảy hữu hiệu nhất là làm giảm tiết mồ hôi bằng phương pháp điều hòa nhiệt độ: Máy lạnh, quạt thông khí, mặc áo quần thoáng mát và hạn chế vận động. Khi da được làm mát lạnh, rôm sảy sẽ biến mất nhanh chóng.

Dạng rôm sảy nhẹ không cần phải điều trị, chỉ càn làm mát da. Nhưng ở các dạng nặng hơn như bị bội nhiễm vi trùng cần phải được điều trị bằng các loại thuốc bôi và uống để giảm cảm giác khó chịu và nhiễm trùng.

Để phòng ngừa rôm sảy, phụ huynh cần lưu ý: Không nên ủ bé quá kỹ hay mặc quá nhiều quần áo cho bé trong mùa nóng nực; cho bé uống đủ nước, trừ bé dưới 6 tháng tuổi phải cho bú nhiều hơn; tránh làm trầy xước các vết rôm sảy, vì khi bị trầy xước da dễ dẫn đến nhiễm trùng da.

Đặc biệt, không nên cho trẻ ra ngoài vào thời điểm từ 10 giờ đến 17 giờ hằng ngày trong mùa nắng nóng, vì đây là khoảng thời gian tia cực tím hoạt động mạnh mẽ nhất. Cần tránh cho trẻ đến những nơi đông đúc, ngột ngạt; tắm rửa và giữ vệ sinh cho trẻ thật tốt…

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.