Thứ Hai, 15/06/2020, 10:32 (GMT+7)
.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh do vi rút Dengue gây ra. Đây là một bệnh nhiễm vi rút do muỗi truyền, hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, hơn 40% dân số toàn cầu có nguy cơ mắc SXH, 75% ca mắc được ghi nhận tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tập trung ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc các nước ASEAN lấy ngày 15-6 hằng năm là “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” thể hiện quyết tâm của cộng đồng ASEAN trong phòng, chống dịch bệnh này.

Người dân phải nuôi cá và thả vào các dụng cụ trữ nước để ăn lăng quăng  phòng chống bệnh SXH.                                                                                      Ảnh: THANH HOÀNG
Người dân phải nuôi cá và thả vào các dụng cụ trữ nước để ăn lăng quăng phòng chống bệnh SXH. Ảnh: THANH HOÀNG

Tỷ lệ mắc SXH đã tăng mạnh trong những thập kỷ gần đây, với khoảng một nửa dân số thế giới hiện đang có nguy cơ. Ước tính có khoảng 100 - 400 triệu ca nhiễm mỗi năm. Hiệu quả công tác phòng, chống SXH phụ thuộc rất lớn vào các biện pháp kiểm soát hiệu quả muỗi gây bệnh với sự tham gia bền vững của cả cộng đồng mới có thể cải thiện đáng kể số mắc và tử vong.

ÂM THẦM NGUY HIỂM

Vi rút gây bệnh SXH được truyền sang người qua vết đốt của muỗi cái bị nhiễm bệnh, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Tại Việt Nam, dù đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống, song SXH vẫn là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 100 trường hợp mỗi năm. Dịch bệnh không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh, mà còn làm tổn thất về kinh tế.

Ở tỉnh ta, đã trải qua những trận dịch lớn gần đây (các năm 2004 và 2007) với hơn 12.000 trường hợp mắc và 12 trường hợp tử vong. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 900 ca mắc SXH, tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng so với khu vực các tỉnh, thành phía Nam thì số ca mắc vẫn còn cao và tình hình bệnh đang diễn biến rất phức tạp.

Bệnh rất nguy hiểm vì tốc độ lan truyền nhanh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin còn đang thử nghiệm. Bệnh có thể gây ra biến chứng trên nhiều cơ quan trong cơ thể và có thể gây ra tử vong nếu như bệnh nặng, có biến chứng mà không được phát hiện, điều trị kịp thời. Một người có thể bị mắc nhiều lần trong đời và những lần sau nguy hiểm hơn những lần trước.

NHÀ NHÀ CÙNG HỢP LỰC

Thời gian qua, các hoạt động phòng, chống SXH đã được triển khai thực hiện nhưng chưa được thành công. Điều này được phản ánh qua số lượng gia tăng các ca SXH và sự lan tràn nhanh chóng về mặt địa lý của căn bệnh tại tất cả các quốc gia trong khu vực.

Kết luận cuộc họp giao ban về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phòng, chống SXH vừa qua, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng cho rằng, qua báo cáo của Sở Y tế, tình hình dịch bệnh SXH, tay chân miệng trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp; ý thức của người dân, trách nhiệm của người đứng đầu có lúc, có nơi còn hạn chế…

Đồng chí giao Sở Y tế chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về các triệu chứng, biểu hiện, cách phòng tránh, xử trí đối với dịch bệnh Covid-19, SXH và tay chân miệng (điểm chung của cả 3 bệnh này là đều có sốt) để tránh gây lo lắng trong phụ huynh, phát huy hiệu quả tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh học đường; yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và đề nghị Báo Ấp Bắc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống SXH và tay chân miệng.

Tại sao phòng, chống SXH lại khó khăn như vậy? Giải thích vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chơn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, có nhiều lý do, song có một yếu tố quan trọng là tồn tại môi trường sinh sản của muỗi. Để phòng, chống SXH hiệu quả, điều quan trọng là phải kiểm soát các loại muỗi truyền vi rút SXH. Để làm được điều đó, điều quan trọng là phải loại trừ được môi trường nơi muỗi đẻ trứng và lăng quăng trước khi trưởng thành...

Khác với muỗi truyền bệnh sốt rét, muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước nhỏ trong các hộ gia đình. Nếu không có những nỗ lực của từng hộ gia đình trong việc loại trừ môi trường đẻ trứng của muỗi thì chúng ta sẽ không thể ngăn chặn hiệu quả căn bệnh này. Bởi vì, muỗi sinh sản trong nhà có thể truyền bệnh SXH cho những người trong nhà và xung quanh. Nói cách khác, nỗ lực kiểm soát số lượng muỗi của cá nhân là điều cần thiết để phòng, chống SXH trong cộng đồng.

Để diệt muỗi, mỗi nhà có thể sử dụng nhang muỗi hoặc thuốc xịt muỗi thường xuyên hằng ngày hoặc hàng tuần; dọn dẹp quần áo không cho muỗi trú đậu; ngủ mùng, kể cả ban ngày; mặc áo quần dài, hoặc thoa thuốc tránh muỗi đốt. Để diệt lăng quăng, mỗi người dân phải tự giác súc rửa lu, bình bông và thay nước hằng tuần, nhất là thời điểm mùa mưa; làm nắp đậy kín các lu, khạp chứa nước; dọn dẹp hoặc lật úp các vật dụng phế thải có thể đọng nước mưa (ly, chén bể, miểng dừa, vỏ xe, chậu nước…) không để cho muỗi vào đẻ trứng, hoặc nuôi cá bảy màu để ăn lăng quăng.

Ngoài ra, khi thấy trẻ sốt bất thường thì nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi, tư vấn cách chăm sóc tại nhà cũng như những dấu hiệu nặng của bệnh SXH cần nhập viện điều trị.

MAI HÀ

.
.
.