Thứ Sáu, 05/06/2020, 11:16 (GMT+7)
.

Hạnh phúc nơi bắt đầu một đời người

Nơi mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, địa chỉ mà rất nhiều sản phụ cũng như gia đình gửi niềm tin “mẹ tròn con vuông” mỗi khi “vượt cạn”. Nơi đón nhận tiếng khóc chào đời
này cũng đã có biết bao câu chuyện đầy cảm động về sự bắt đầu của một đời người.

Đối với các bậc cha, mẹ thì khó có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được giây phút chứng kiến con mình chào đời. Phút giây ấy vô cùng thiêng liêng và hạnh phúc, sẽ theo mãi trong suốt cuộc đời của mỗi con người.

Những đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang.
Những đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang.

GIÂY PHÚT THIÊNG LIÊNG

Chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang vào ngày đầu tháng 6. Nơi đây từ sáng sớm đến khuya luôn có khoảng vài chục người thân ngồi chờ sản phụ sinh con. Hồi hộp, náo nức và cả lo lắng là cảm giác chung của những người nhà sản phụ khi đứng ở ngoài phòng sinh. Mỗi người mỗi tâm trạng khác nhau nhưng điểm chung ở họ là sự mong chờ con, cháu mình ra đời được “mẹ tròn con vuông”.

Ngồi cạnh chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Thanh (xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) cho biết, anh đưa vợ nhập viện từ 2 giờ khuya ngày 1-6. Theo các bác sĩ, đến khoảng 16 giờ ngày 2-6, vợ anh mới chuyển dạ và sẽ sinh mổ. Đây là con gái đầu lòng của vợ chồng anh Thanh sau 3 năm ngày cưới. Chính vì vậy, trong lần “vượt cạn” này của vợ không chỉ có anh, mà còn có cả mẹ, dì, em gái của anh đứng ngồi không yên, hồi hộp chờ đợi ngoài phòng sinh. Đến khi được bác sĩ báo tin vui vợ anh Thanh “vượt cạn” thành công với một bé gái kháu khỉnh chào đời giống anh như đúc thì anh và cả nhà mới thở phào mừng rỡ, chờ giây phút gặp con, gặp cháu.

Cũng giống như tâm trạng của anh Thanh là trường hợp của anh Trương Quang Tiến (ngụ xã Long Định, huyện Châu Thành) đang hồi hộp cùng mẹ mình chờ vợ sinh. “Cưới nhau 2 năm, bao trông mong giờ thì cũng sắp có được con gái đầu lòng. Mừng nhưng cũng rất hồi hộp chờ vợ sinh. Mong sao vợ tôi sinh con sẽ được “mẹ tròn con vuông” và con gái của vợ chồng tôi sẽ dễ thương, duyên dáng” - anh Tiến chia sẻ.

Rời khu vực chờ ngoài phòng sinh đầy căng thẳng, chúng tôi theo chân Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Thị Thu Hà, Quyền Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đến phòng của sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Phương (35 tuổi, ngụ phường 5, TP. Mỹ Tho) vừa mới sinh được 2 ngày. Trong phòng không chỉ có chị Phương, mà còn có chồng chị - anh Nguyễn Ngọc Anh Chương và một số người thân đến thăm, luôn miệng cười, nói, nựng nịu bé gái (con chị Phương) vừa mới chào đời.

Nhìn đứa con gái bé bỏng, chị Phương không giấu được niềm vui, hạnh phúc. Chị cho biết: “Vợ chồng tôi lấy nhau khoảng 8 năm mà vẫn không có con nên cả hai quyết định lên TP. Hồ Chí Minh tìm các bác sĩ sản khoa để được tư vấn và điều trị. Đến năm 2019, khi biết mình có thai, tôi và chồng mừng rơi nước mắt. Cứ ngỡ mọi thứ diễn ra suôn sẻ, nào ngờ tôi lại bị tiểu đường trong giai đoạn thai kỳ. Thế nhưng, tôi và chồng vẫn cố gắng nuôi hy vọng và hạnh phúc cũng đã mỉm cười, đó là đứa con gái chào đời”.

Còn với anh Chương thì không có niềm hạnh phúc, sự thiêng liêng nào bằng khi chứng kiến con gái mình sinh ra khỏe mạnh. “Khi thật sự được bế con trong vòng tay, da kề da thì vô cùng sung sướng không có gì diễn tả được. Hai vợ chồng mừng vui đến phát khóc, vui vì “mẹ tròn con vuông”, khóc vì quá sung sướng không thể tưởng tượng có ngày chúng tôi sẽ được làm cha, làm mẹ” - anh Chương vui mừng chia sẻ.

Niềm vui, hạnh phúc không chỉ đến với các sản phụ cũng như gia đình sản phụ mỗi khi “vượt cạn” thành công, mà còn đến với những người đem đến an toàn cho sự bắt đầu của một đời người. Chị Võ Thị Loan, nữ hộ sinh của Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, có hơn 26 năm thâm niên trong nghề cho biết: “Nghề hộ sinh tuy vất vả nhưng chúng tôi luôn làm nghề với cái tâm, cái tình. Chúng tôi luôn lấy niềm vui của sản phụ và gia đình sản phụ chính là niềm vui của bản thân mình. Mỗi em bé chào đời an toàn đối với chúng tôi đó là niềm vui sướng và hạnh phúc”. 

Mặc cho cuộc sống bên ngoài có hối hả, xô bồ thì mỗi ngày bên trong Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, nhịp điệu công việc vẫn cứ tất bật để các sản phụ được “mẹ tròn con vuông”. Theo lãnh đạo bệnh viện, được sự quan tâm đầu tư các trang thiết bị hiện đại cũng như đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện không ngừng được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn nhiệt tình trong công tác, ân cần trong phục vụ mà những năm gần đây tỷ lệ sản phụ chọn bệnh viện để sinh con luôn ở mức cao, mỗi ngày có từ 20 đến 30 trẻ chào đời tại đây.

VÀ NHỮNG NIỀM HY VỌNG

Có lẽ với những cặp vợ chồng khi cưới nhau sau đó có tin vui mang thai, sinh con là bình thường không còn gì để bàn. Còn đối với những cặp vợ chồng bị hiếm muộn thì không biết dựa vào đâu để có con, đành tìm đến những tiến bộ khoa học.

Bác sĩ Võ Thị Thu Hà phân tích, chuyện hiếm muộn của các cặp vợ chồng hiện nay là khá phổ biến. Trước đây, khi chưa có thông tin phổ biến về vấn đề này, các cặp vợ chồng cũng rất ngại đi thăm khám, mặc khác cũng do tâm lý e dè nên rất ít chia sẻ chuyện riêng tư. Với sự tiến bộ của nền y học hiện nay thì các cặp vợ chồng đã vượt lên rào cản của sự mặc cảm, mạnh dạn tìm đến bác sĩ tư vấn và thăm khám. Từ đó, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã được điều trị và có con.

Bác sĩ Thu Hà cho biết thêm, để xác định một cặp vợ chồng hiếm muộn cần phải có cơ sở khoa học, đó là khi cặp đôi sinh hoạt vợ chồng thường xuyên trong một năm mà không dùng biện pháp tránh thai trong khoảng 6 tháng vẫn chưa đậu thai thì xác định đó là hiếm muộn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn, có thể là do người vợ bị tắc vòi trứng, bệnh lý phụ khoa và cũng có thể là do chất lượng tinh trùng của người chồng yếu. Tuy nhiên, vẫn có đến 50% trường hợp bị hiếm muộn hiện nay vẫn không xác định được nguyên nhân.

Theo bác sĩ Thu Hà, việc chữa trị hiếm muộn hiện nay thành công là nhờ sự tiến bộ của y học. Chi phí điều trị hiếm muộn ở Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các nước khác. Có nhiều cách để điều trị hiếm muộn như thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ… Các trường hợp vợ chồng hiếm muộn đến thăm khám tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang sẽ được các bác sĩ tư vấn để đến các bệnh viện tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ thành lập phòng khám và điều trị hiếm muộn. Hy vọng với sự tiến bộ không ngừng của y học sẽ giúp các cặp vợ chồng vô sinh hay hiếm muộn sẽ có được con.

THẢO PHƯƠNG

.
.
.