.
BÁC SĨ HUỲNH THỊ TUYẾT TRANG:

Hết lòng vì bệnh nhân HIV/AIDS

Cập nhật: 09:32, 13/07/2020 (GMT+7)

Bác sĩ Huỳnh Thị Tuyết Trang, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, có 15 năm gắn bó với công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS và người cai nghiện ma túy. Dù làm việc trong môi trường khá phức tạp, nguy hiểm nhưng chị Trang luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có nhiều sáng kiến, cải tiến trong công việc.

Bác sĩ Trang (hàng đầu, thứ 4 từ trái qua) được khen thưởng trong Hội nghị điển hình tiên tiến công nhân, viên chức, lao động tỉnh Tiền Giang lần thứ X (2020 - 2025).
Bác sĩ Trang (hàng đầu, thứ 4 từ trái qua) được khen thưởng trong Hội nghị điển hình tiên tiến công nhân, viên chức, lao động tỉnh Tiền Giang lần thứ X (2020 - 2025).

Chị Trang bắt đầu công tác ở ngành Y tế từ năm 1993 tại Trung tâm Da liễu tỉnh. Đến năm 2006, khi Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thành lập, chị được điều chuyển công tác sang đơn vị này, với công việc chủ yếu là tư vấn về HIV/AIDS.

Chị Trang chia sẻ, qua nhiều năm tư vấn chị bị cuốn hút vào những tình huống, hoàn cảnh của người nhiễm HIV nên thấu hiểu sâu sắc về họ. Đến năm 2010, đơn vị tiếp nhận điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV/AIDS. Lúc đầu, chị cũng có phần e ngại khi tiếp xúc với bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nặng đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Tuy nhiên, sau nhiều lần tiếp xúc, chứng kiến sự đau đớn do bệnh tật cùng với những nỗi lo sợ của bệnh nhân HIV/AIDS, chị Trang đã cảm thông, quan tâm chăm sóc bệnh nhân và gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS cho đến bây giờ.  

Chị Trang là người chan hòa, tâm huyết và có trách nhiệm với bệnh nhân, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được phân công. Trong quá trình công tác, chị Trang không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến của đồng nghiệp để hoàn thiện bản thân…

CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN NGÀNH Y TẾ TIỀN GIANG NGUYỄN TRUNG  TẦN

Theo chị Trang, những người nhiễm HIV/AIDS thường có rất nhiều nỗi lo sợ. Họ sợ mắc bệnh như là cái chết đã được báo trước, gia đình bỏ rơi, bạn bè, hàng xóm xa lánh, kỳ thị, phân biệt đối xử… Từ đó, dẫn đến một số bệnh nhân bất mãn không tiếp cận điều trị.

Với cái tâm của người bác sĩ, chị Trang không chỉ chăm sóc điều trị mà còn giúp nhiều bệnh nhân HIV/AIDS vượt qua mặc cảm bệnh tật, sống hòa nhập cộng đồng. Song song công tác điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, chị Trang còn tham gia điều trị cho người nghiện ma túy thay thế bằng thuốc Methadone, chương trình được triển khai từ tháng 5-2015.

Chị Trang cho biết, ma túy làm thương tổn tế bào não, gây nên bệnh não mãn tính ở người nghiện ma túy, làm ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe tâm thần. Vì vậy, cách suy nghĩ, nhận thức, tâm trạng, hành vi cư xử của người nghiện luôn biến đổi.

Là một bác sĩ điều trị cho những bệnh nhân đặc biệt này, bản thân chị đôi lúc chịu rất nhiều áp lực với những hành vi, lời nói bất thường của bệnh nhân và gặp phải những tình huống nguy hiểm như bệnh nhân hành hung, đâm chém lẫn nhau ngay trong lúc khám bệnh... Những lúc như thế, chị cố gắng giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng giao tiếp với bệnh nhân nhằm xoa dịu những cơn nóng giận của bệnh nhân.

Với tình yêu nghề và mong muốn giúp đỡ bệnh nhân HIV/AIDS cũng như người nghiện ma túy vượt qua lầm lỡ, mặc cảm bệnh tật nên chị Trang luôn trau dồi kiến thức chuyên môn thông qua việc tham gia các lớp học tâm lý hay tìm hiểu tài liệu, truy cập internet… để có thêm những kiến thức cần thiết khi tiếp xúc, đối diện với những tình huống khó của bệnh nhân. Bên cạnh đó, chị Trang còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giúp đồng nghiệp phục vụ người bệnh tốt hơn. Qua 15 năm công tác, chị Trang luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

LÝ OANH

.
.
.