Thứ Sáu, 03/07/2020, 21:12 (GMT+7)
.

Bệnh nhân số 91 và hành trình về với quê hương

Ngày 12-7 tới đây, bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh dự kiến sẽ được trở về quê hương. 105 ngày nằm viện, 68 ngày hôn mê, cuối cùng ông đã tỉnh dậy ở một đất nước an toàn, trong khi Covid-19 vẫn còn là mối hiểm nguy ở nhiều nơi trên thế giới.

Đối với các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, nụ cười trên gương mặt bệnh nhân 91 vào ngày 3-6 đối với họ là một niềm hạnh phúc vô bờ. Bởi đây là tia sáng rạng rỡ đầu tiên sau một hành trình dài ba tháng "mò mẫm trong đường hầm hẹp", đấu trí, vật lộn giành lại sự sống có lúc đã "ngàn cân treo sợi tóc".

Sau khoảng một tháng bệnh nhân 91 nhập viện, ngày 8-4, BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh xin hội chẩn khi ông diễn biến nguy kịch, rơi vào tình trạng hôn mê, phổi xơ hóa. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 khẩn trương tổ chức một kíp bác sĩ trẻ tinh nhuệ, đa năng của BV Chợ Rẫy sang BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh hỗ trợ kỹ thuật ECMO.

Hơn 100 ngày qua, ê kíp hàng trăm người của BV Chợ Rẫy và BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã ngày đêm kiên cường xử trí các biến cố đến dồn dập. “Lúc phổi hoạt động quá thấp, hội chẩn có chỉ định ghép phổi, chúng tôi nghĩ tình huống phổi đã chết, khả năng sống còn của bệnh nhân cực kỳ thấp”, PGS, TS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy tua chậm lại hành trình đấu trí để đưa ra những quyết định sống còn trước một ca bệnh chưa từng gặp trên thế giới.

Toàn bộ kỹ thuật cao nhất từ lọc máu, ECMO… được áp dụng. Biến cố đầu tiên xảy ra ngay khi sử dụng ECMO hai giờ đồng hồ, màng lọc bị đông đặc. Bệnh nhân có kháng thể kháng Heparin, gây hội chứng giảm tiểu cầu do dị ứng với thuốc chống đông heparin được dùng khi chạy ECMO (hội chứng HIT). Hội chứng HIT trên bệnh nhân ECMO và mắc Covid-19 là là một trường hợp cực kỳ đặc biệt, y văn thế giới không có nhiều ca.

Thời điểm phổi chỉ hoạt động 10%, nam phi công còn tràn khí màng phổi, nhiễm thêm vi khuẩn. Các bác sĩ đánh giá có thể do phế nang bị virus xâm lấn, làm hoại tử, gây vi huyết khối, đông đặc phế nang, không hoạt động được phổi. Nhiễm thêm vi khuẩn là phần sinh lý bệnh rất quan trọng phát hiện trong thời gian diễn biến nên các chuyên gia điều trị phải đọc tài liệu liên tục, nghiên cứu về Covid-19.

Trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của người đàn ông này đã phản ứng quá mức khi bị virus tấn công, làm sản sinh ra chất cytokine chống lại chính cơ thể, gọi là “cơn bão” cytokine. Phổi bị tổn thương rất nặng nề.

a
Các cuộc hội chẩn toàn viện diễn ra thường xuyên để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả cho BN91.

Chính thời điểm đó, các bác sĩ phải quyết định đổi qua loại thuốc kháng sinh đặc hiệu không phải Heparin. Nhưng loại này, Việt Nam chưa từng nhập khẩu. Thời gian 10 ngày chờ thuốc kháng đông đường tĩnh mạch do Đức sản xuất nhập khẩu về Việt Nam thật sự căng thẳng.

“Quyết định dùng hay không dùng thuốc mới”, BS Thảo đem nỗi băn khoăn ra bàn luận với đồng nghiệp. Cuối cùng, họ đã thống nhất ý chí quyết định dùng thuốc mới chưa từng có trong phác đồ điều trị để bảo tồn màng ECMO, bệnh nhân mới sống sót. “Chúng tôi điều chỉnh liều thuốc bằng gửi mẫu máu mỗi sáu giờ để canh nồng độ màng ECMO giống như đi xiếc trên dây.

Nếu nghiêng bên này quá, bệnh nhân 91 chảy máu xuất huyết não, chảy máu đường xâm lấn. Nhưng nếu nghiêng bên kia quá sẽ bị đông màng ECMO. 10 ngày đó, chúng tôi chỉ chờ đợi kết quả xét nghiệm để tập trung điều chỉnh đông máu. Chúng tôi nói với nhau, nếu đi xiếc trên dây khi té sẽ ngã đau, nhưng nếu mình té ngã thì bệnh nhân chết”, BS Thảo kể lại những phút giây áp lực, căng thẳng.

a
Bệnh nhân 91 đã trải qua hơn 50 ngày phải sử dụng ECMO.

Đây là ca đầu tiên sau hai giờ khi thực hiện phương ECMO, màng đông cứng, trong khi không phải kíp bình thường có thể thay màng lọc được. Các bác sĩ phải tiến hành thay màng rất nhanh để bệnh nhân không ngưng tim, không chảy máu. Trong 57 ngày làm ECMO, bảy màng ECMO đã được thay liên tục.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Chợ Rẫy nhớ lại, ngày đưa bệnh nhân 91 từ BV Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh sang BV Chợ Rẫy cũng là một điều không dễ dàng gì dù đoạn đường không xa. “Nếu thiếu sót hay sơ suất trong việc gắn các thiết bị máy móc thì cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân”, bác sĩ Linh cho biết.

Sau khi vượt qua những biến cố dồn dập, nhiệm vụ nặng nề của BV Chợ Rẫy là làm sao phải cai được ECMO, máy thở, rút nội khí quản cho bệnh nhân. BS Thảo nhìn các đồng nghiệp và nói: “Liệu đây có phải là nhiệm vụ bất khả thi không”?.

Tuy nhiên, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực, BV Chợ Rẫy đã làm hết sức mình với hy vọng tìm ra ánh sáng ở cuối đường hầm cho nam phi công.Khi nam phi công có cử động tay, ngưng ECMO, ngưng an thần, điều ê-kíp điều trị sợ nhất là ông có thể không tỉnh lại do bị ảnh hưởng tế bào não. May mắn, khi ngưng các loại thuốc, ông phục hồi tri giác rất tốt.

Sau những ngày gian khó đấu trí với việc giúp cho bệnh nhân hồi tỉnh, thì một cuộc cân não nữa cũng đến với những người ngày đêm sống cùng phòng cách ly với ông. “Bất đồng ngôn ngữ, bệnh nhân bị cách ly lâu ngày nên bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề khiến cho sự hợp tác điều trị gặp nhiều khó khăn. Khi bệnh nhân nhắn tin được với bạn bè của mình, nghe bạn bè kể lại các bác sĩ Việt Nam đã cứu mình như thế nào, khi ấy ông mới mỉm cười nhiều hơn với chúng tôi”, BS Linh nói.  

Các chuyên gia trong Tiểu Ban Điều trị đánh giá, sự hồi phục của bệnh nhân 91 là một kỳ tích của y khoa Việt Nam. Đây cũng là một ca bệnh đặc biệt với y văn thế giới và có thể viết thành báo cáo quốc tế. Từ lá phổi chỉ còn 10% hoạt động, giờ đã phục hồi tới gần 90%;

Từ một cơ thể bất động gần hai tháng bị vi khuẩn tấn công vào phổi, vào máu, giờ đây bệnh nhân đã thoát được tình trạng nguy kịch của suy đa tạng. Mỗi sự tiến triển của bệnh nhân 91 đều là sự động viên, khích lệ các thầy thuốc, các chuyên gia tiếp tục cố gắng, cống hiến sức lực để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất.

PGS, TS Phạm Thị Ngọc Thảo ví hành trình giành giật sự sống cho nam phi công giống như một cuộc chiến mà ở đó, mọi sách lược, chiến lược đưa ra được tính toán từng chi tiết. Đứng trước bất kỳ một ca bệnh nào, dù là người ở bất kỳ đâu trên thế giới, mệnh lệnh duy nhất từ trái tim của người bác sĩ là phải bằng mọi cách cứu sống được người bệnh.

Mỗi bác sĩ, điều dưỡng BV Chợ Rẫy đều chuẩn bị ba lô tư trang, sẵn sàng cho mọi tình huống “xuất kích”. Kíp túc trực thường xuyên bên BN91 hầu hết còn rất trẻ, có những điều dưỡng con còn nhỏ, có em còn chưa lập gia đình… Nhưng ở phía sau, các y, bác sĩ trẻ này luôn được lãnh đạo khoa hỗ trợ tốt nhất, tạo động lực, tinh thần và ý chí cho họ. Chính nhờ sự hết mình, kiên cường và đoàn kết đó mà các bác sĩ, điều dưỡng BV Chợ Rẫy đã làm được một điều kỳ diệu, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Với điều dưỡng Lê Thị Hồng Thắm, 28 tuổi, có lẽ hơn một tháng qua là những ngày đáng nhớ nhất trong năm năm làm điều dưỡng của mình. Khi bệnh nhân 91 tỉnh dậy, để có thể giúp ông hợp tác với mình một cách dễ dàng, chị phải tranh thủ bồi dưỡng thêm tiếng Anh. “Lúc đầu tôi nói không rõ, bệnh nhân tỏ ra khó chịu. Tôi phải về nhà học thêm những câu tiếng Anh cần thiết để giao tiếp bệnh nhân tốt hơn”. Và khi thấy sau những câu nói của mình, ông mỉm cười và nghe theo sự hướng dẫn, chị Thắm cảm thấy bao nhiêu nỗ lực của mình đã được đền đáp.

Khi được hỏi về những áp lực của việc điều trị cho bệnh nhân 91 có đến từ sự “nhìn vào” của cả thế giới, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy bộc bạch: “Chúng tôi không để tâm nhiều đến những áp lực bên ngoài vì chúng tôi chỉ làm theo chuyên môn hết sức để cứu sống bệnh nhân. Lúc đó, chúng tôi chỉ nghĩ xem mình điều trị đã tốt nhất chưa, có thuốc nào tốt hơn nữa hoặc có biện pháp kỹ thuật nào giúp bệnh nhân này tốt hơn không. Áp lực cho thế giới biết Việt Nam chữa khỏi cho bệnh nhân 91 thì không có”.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu Ban điều trị nhận định, sự phục hồi của bệnh nhân 91 ngày hôm nay là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần quyết tâm không buông bỏ người bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế và các bệnh viện. Cuộc chiến đã huy động trí tuệ của toàn bộ nhân lực y tế cả nước, các trang thiết bị, các loại thuốc tốt nhất, kể cả nhập khẩu từ nước ngoài để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu.

Ngày hôm nay, sau 105 ngày được các y, bác sĩ giành giật lại sự sống từ tay tử thần, bệnh nhân 91 đã có những bước hồi phục toàn diện. Ngoài sức hai chân còn yếu, ông may mắn có tri giác tỉnh táo, minh mẫn. Thử thách trước mắt của ông là cần vượt qua giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và tăng cường dinh dưỡng để hồi phục thể trạng, đủ sức khỏe để hồi hương.

Ngày 12-7 tới, bệnh nhân 91 sẽ trở về quê hương tại Vương quốc Anh. Trong chuyến bay đặc biệt này, ông sẽ vẫn có sự đồng hành của các y, bác sĩ Việt Nam. Đó sẽ là một chuyến bay đặc biệt, chuyến bay của sự trở về bình an và may mắn.

(Theo nhandan.com.vn)
 

.
.
.