Thứ Sáu, 31/07/2020, 08:23 (GMT+7)
.

Không chủ quan với sốt xuất huyết

Hiện nay đang vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết (SXH) sinh sôi, phát triển. Do đó, cộng đồng cũng như mỗi gia đình, mỗi người dân cần ý thức tự giác diệt muỗi, diệt lăng quăng tại nhà và môi trường xung quanh để loại trừ mầm bệnh SXH.

Để phòng, chống SXH điều quan trọng là phải kiểm soát các loại muỗi truyền vi rút SXH; để làm được điều đó là phải loại trừ được môi trường nơi muỗi đẻ trứng và lăng quăng phát triển mạnh trước khi trưởng thành.

CDC giám sát kết quả sau Chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng đợt 2 ở xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè).
CDC giám sát kết quả sau Chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng đợt 2 ở xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

SỐ CA MẮC SXH TĂNG

Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang (CDC), trong tuần 29, toàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận 41 ca mắc SXH, tăng 7,89% so với tuần 28; nâng tổng số toàn tỉnh từ đầu năm 2020 đến nay có 1.145 ca mắc SXH, giảm 32,88% so cùng kỳ năm 2019. Cho đến thời điểm này, Cái Bè là huyện có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh, với trên 300 ca; kế đến là huyện Châu Thành với gần 200 ca và TX. Cai Lậy với 159 ca. Với 4 ca mắc SXH được ghi nhận từ đầu năm đến nay, Tân Phú Đông là địa phương có số ca mắc SXH thấp nhất tỉnh.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang vào chiều 27-7 vừa qua, khi đề cập đến công tác phòng, chống SXH, đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lưu ý các địa phương cần tập trung nâng cao vai trò Đội xung kích và Tổ giám sát trong tuyên truyền vận động vệ sinh môi trường. Ngành Y tế kịp thời dự báo và xây dựng kịch bản phòng bệnh theo kết quả giám sát chuyên môn. Đẩy mạnh truyền thông phòng, chống SXH, vệ sinh môi trường ở địa phương, cơ quan; nâng cao ý thức diệt muỗi, diệt lăng quăng ở mọi nhà, trong cộng đồng và các công trình công cộng. Đặt mục tiêu cho xã, phường, thị trấn không để xảy ra ca mắc SXH và khống chế thấp nhất, không để đột biến, không trở thành dịch và có ca tử vong do SXH.

Tại các địa phương, chính quyền các cấp đã chỉ đạo thực hiện Chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh SXH. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt chiến dịch, kéo giảm chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Tuy nhiên, vẫn còn những nơi dù đã ra quân chiến dịch lần 2 nhưng vẫn còn chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng cao.

Theo đó, CDC đã nhắc nhở xã Đông Hòa Hiệp, nơi có số ca mắc SXH cao của huyện Cái Bè. Trước Chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng tăng cường đợt 2, kết quả giám sát thực địa tại các hộ gia gia đình của Trạm Y tế xã Đông Hòa Hiệp từ ngày 15 đến 20-7 cho thấy, chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng là 118, cao gấp 5 lần mức quy định. Đến ngày 24-7, theo kết quả sau Chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng của Đoàn giám sát CDC tại 50 hộ gia đình được chọn ngẫu nhiên tại các ấp của xã Đông Hòa Hiệp gồm An Lợi, An Bình Đông, Phú Hòa và An Thạnh, chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng là 58, trong khi đó mức cho phép sau chiến dịch là dưới 20.

CHỦ ĐỘNG TIÊU DIỆT MẦM BỆNH SXH

Khác với muỗi truyền bệnh sốt rét, muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước nhỏ ở các hộ gia đình. Điều này có nghĩa là nếu không có những nỗ lực của từng hộ gia đình trong việc loại trừ môi trường đẻ trứng của muỗi, thì sẽ không thể ngăn chặn hiệu quả sự lan tràn của bệnh SXH.

Muỗi vằn sinh sản trong nhà có thể truyền bệnh SXH cho những người trong nhà và xung quanh. Nói cách khác, nỗ lực kiểm soát số lượng muỗi của mỗi cá nhân là điều cần thiết để phòng, chống sự lây truyền SXH trong cộng đồng.

Đồng thời, hành động của cộng đồng cũng có thể khuyến khích các cá nhân giữ cho hộ gia đình của mình không có muỗi. Và mỗi người tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình sẽ góp phần cùng cả cộng đồng phòng, chống SXH, thông qua hành động thiết thực là thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Để diệt muỗi, mỗi nhà có thể sử dụng nhang muỗi hoặc thuốc xịt muỗi thường xuyên hằng ngày hoặc hằng tuần, dọn dẹp quần áo không cho muỗi trú đậu. Mọi người nên ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc áo dài tay, quần dài hoặc thoa thuốc tránh muỗi đốt.

Để diệt lăng quăng, mỗi người dân phải tự giác súc rửa lu, bình bông và thay nước hằng tuần, nhất là thời điểm mùa mưa. Làm nắp đậy kín các lu, khạp chứa nước, dọn dẹp hoặc lật úp các vật dụng phế thải có thể đọng nước mưa như ly, chén bể, miểng dừa, vỏ xe, chậu nước… không để cho muỗi vào đẻ trứng hoặc nuôi cá bảy màu để ăn lăng quăng.

Ngoài ra, khi thấy trẻ sốt bất thường thì nhanh chóng đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi, tư vấn cách chăm sóc tại nhà cũng như những dấu hiệu nặng của bệnh SXH cần nhập viện điều trị.

MAI HÀ

.
.
.