Thứ Hai, 06/07/2020, 21:31 (GMT+7)
.

Tiêm chủng - Giải pháp số 1 để miễn dịch bệnh bạch hầu trong cộng đồng

Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều ca bệnh phát hiện tại các tỉnh như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, có nhiều trường hợp đã tử vong vì bệnh bạch hầu.

Bộ Y tế cũng đưa ra nhận định bệnh bạch hầu tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đang có những biến phức tạp.

Các bác sỹ tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum thăm, khám cho bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Các bác sỹ tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum thăm, khám cho bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư Đặng Đức Anh-Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để hiểu rõ hơn về bệnh bạch hầu cũng như các biện pháp phòng bệnh này.

- Giáo sư có thể đưa ra những phân tích về nguyên nhân của các ca mắc bệnh bạch hầu được phát hiện trong thời gian gần đây?

Giáo sư Đặng Đức Anh: Trong thời gian vừa qua có xuất hiện một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, vài năm trước bệnh này cũng đã xuất hiện ở các tỉnh miền Trung.

Điều tra dịch tễ các ca bệnh gần đây cho thấy nguyên nhân chính của các trường hợp mắc bệnh bạch hầu là do vẫn chưa tiêm đúng đủ liều, chưa tiêm đúng lịch. Thời gian qua, một số ca bệnh mắc bạch hầu chỉ tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi, trong khi đó khuyến cáo cho trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm 3 mũi và tiêm nhắc lại ở 18 tháng tuổi.

Đặc điểm của ca bệnh bạch hầu đa phần xuất hiện ở vùng xa xôi, những xã vùng sâu vùng xa. Ở những khu vực đó, một số địa phương tỷ lệ tiêm chủng không cao, chưa đạt 95% theo yêu cầu của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Có thể nhận thấy, trong năm 2019-2020, do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân như: Việc chuyển đổi vắcxin 5 trong 1, ảnh hưởng tâm lý bởi một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hoặc do phong trào bài vắcxin ở một số thành phố lớn dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng vắcxin ở một số địa phương chưa đạt độ bao phủ như mong muốn.

- Có ý kiến cho rằng bệnh bạch hầu xuất hiện nhiều là do khả năng đáp ứng miễn dịch giảm. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Giáo sư Đặng Đức Anh: Chúng ta thấy trong trường hợp này có thể giải thích do tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu ở các khu vực có ca bệnh.

Nếu chúng ta tiêm phòng đầy đủ cho trẻ 4 mũi như khuyến cáo, khi đến tuổi lớn hơn thì đáo ứng miễn dịch sẽ giảm xuống và đến một tuổi nào đó thì trẻ cần tiêm thêm một mũi nữa đó là để đảm bảo cho khả năng miễn dịch sau này.

Hiện nay, có những loại vắcxin như bạch hầu, uốn ván tiêm cho lứa tuổi 7 tuổi và tiêm cho cả người lớn. Với những vắcxin như vậy, chúng tôi khuyến cáo nên có chiến dịch tiêm bổ sung đến các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để có thể bao phủ thêm các đối tượng trước đây chưa được tiêm đầy đủ.

Ngoài ra, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêm chủng cũng đã phải tạm ngừng một thời gian. Sau đó chúng tôi cũng đã có hướng dẫn với các địa phương tổ chức tiêm vét, tiêm bù cho trẻ chưa được tiêm trong thời gian xảy ra dịch COVID-19.

Đã có nhiều bài học đối với các quốc gia vì bất cứ lý do gì đã ngừng tiêm chủng hoặc có tỷ lệ tiêm chủng thấp đối với một loại vắcxin nào đó thì đều dẫn đến bùng phát dịch, thâm chí xảy ra dịch với quy mô lớn. Những nơi có nhiều đối tượng không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, số đối tượng này không có miễn dịch phòng bệnh sẽ được tích luỹ dần và có nguy có bùng phát dịch nếu xuất hiện tác nhân gây bệnh.

- Chúng ta đã triển khai những nghiên cứu gì về khả năng đáp ứng miễn dịch với bệnh bạch hầu ở nhiều đối tượng giảm chưa thưa giáo sư?

Giáo sư Đặng Đức Anh: Có một số nghiên cứu trong cộng đồng ở Hải Dương ở lứa tuổi phụ nữ từ 18-25 cho thấy đáp ứng miễn dịch với bệnh bạch hầu giảm rất nhiều. Đó là một trong những lứa tuổi chúng tôi khuyến cáo nên tiêm nhắc lại.

Ngoài ra, còn có nghiên cứu ở Hà Nam trên các đối tượng từ 20-30 tuổi cho thấy đáp ứng miễn dịch với bệnh ho gà rất thấp.

Hiện đã có những loại vắcxin tiêm cho người lớn để có thể tạo được đáp ứng miễn dịch với bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván tiêm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tạo được miễn dịch tốt. Tôi cũng khuyến cáo chị em trong lứa tuổi sinh đẻ cần đi tiêm vắcxin có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván để có thể đáp ứng miễn dịch tốt.

Trong nghiên cứu đánh giá của tiêm chủng ở Hải Dương, chúng tôi cũng đã đánh giá và xem xét đáp ứng miễn dịch với bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Với các lỗ hổng dịch như vậy cần đẩy mạnh việc tiêm vắcxin.

Hiện nay, chúng ta có những loại vắcxin như bạch hầu, ho gà, uốn ván tiêm cho người lớn và các đối tượng phụ nữ trước khi mang thai để phòng bệnh và tạo miễn dịch để có thể phòng bệnh trong thời gian tiếp theo như tiêm ở 18 tuổi và tiêm từ 18-25 và tiêm lứa tuổi khác. Việc tiêm nhắc lại để tạo điều kiện bền vững hơn với các đối tượng phụ nữ mang thai.

- Những vùng lõm tiêm chủng ở vùng sâu, vùng xa Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có những biện pháp như thế nào để lấp những “lỗ hổng” trên?

Giáo sư Đặng Đức Anh: Chúng tôi có những khuyến cáo về tiêm chủng mở rộng, trẻ cần tiêm đủ 3 mũi ở lứa tuổi 2,3,4 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại mũi thứ 4 ở 18 tháng tuổi. Khi trẻ tiêm đủ mũi việc đáp ứng miễn dịch có tác dụng bảo vệ, chống lại bệnh có thể phòng lại bệnh khi đã có vắcxin.

Giáo sư Đặng Đức Anh phân tích vì sao miễn dịch với bệnh bạch hầu giảm:

Việc bài trừ vắcxin đã xuất hiện ở Việt Nam và một số nước trên thế giới, chúng ta đã có những kế hoạch truyền thông để cho người dân hiểu biết hơn về lợi ích của tiêm chủng cũng như việc đưa con đi tiêm đúng thời gian, đúng liều đúng lịch là cần thiết. Điều này cũng cần được truyền thông mạnh ở cả các địa phương, nhất là ở các thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để người dân có thể hiểu và thực hiện đúng khuyến cáo của chương trình tiêm chủng để phòng bệnh có vắcxin.

Trong năm 2020, chương trình tiêm chủng có kế hoạch tiêm một số loại vắcxin bạch hầu, uốn ván ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn với đối tượng trẻ em từ 7 tuổi. Chúng tôi mong muốn vắcxin này được sử dụng cho cả người lớn và có khuyến cáo việc tiêm nhắc lại cho đối tượng người lớn nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn kỹ càng có thể tiêm vắcxin phù hợp để có thể phòng bệnh bạch hầu.

- Ông có thể nhấn mạnh hơn về vai trò của vắcxin đối với các loại dịch bệnh cũ?

Giáo sư Đặng Đức Anh: Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được thực hiện trong hơn 30 năm nay, những thành tựu nhìn thấy như thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2.000 và loại trừ uốn ván sơ sinh 2005. Đến thời điểm này, chúng ta đã giữ vững được những thành tựu đó, không có những ca bại liệt hoang dại ở trong nước và tỷ lệ mắc bệnh uốn ván sơ sinh rất thấp, đạt tiêu chuẩn loại trừ uốn ván sơ sinh.

Trong các loại vắcxin sử dụng trong tiêm chủng có những loại vắcxin đã sử dụng từ lâu như bạch hầu, uốn ván, ho gà… gần đây đã bổ sung thêm một số loại vắcxin mới như sởi, rubela…

Trong 30 năm qua, nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, ngành y tế đã có những thành tựu giảm tỷ lệ mắc, chết với các bệnh như trên rất nhiều lần. Gần đây xuất hiện một số ca bệnh bạch hầu, ho gà ở tuổi chưa đến tuổi tiêm hoặc trẻ sơ sinh, người lớn mắc lại bạch hầu, qua đó cho thấy ngoài việc tiêm đủ lịch, đúng liều của tiêm chủng thì trẻ cần tiêm nhắc lại ở lứa tuổi đi học theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng và của các cơ sở y tế.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(Theo https://www.vietnamplus.vn/tiem-chunggiai-phap-so-1-de-mien-dich-benh-bach-hau-trong-cong-dong/650182.vnp)

 

.
.
.