Thứ Hai, 31/08/2020, 20:29 (GMT+7)
.

Đang vào đợt cao điểm bệnh tay chân miệng: Cẩn trọng để bảo vệ con trẻ

Trong những năm gần đây, bệnh tay chân miệng (TCM) bùng phát, gây lo lắng cho nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có nước ta. Hiện tại, tình hình bệnh TCM tại Việt Nam cũng diễn tiến khó lường, vì bệnh xảy ra rải rác quanh năm và nhận thấy có 2 đợt cao điểm là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.

Dấu hiệu bệnh TCM ở trẻ.
Dấu hiệu bệnh TCM ở trẻ.

DỰ BÁO SỐ CA MẮC TĂNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Trên thế giới, vi rút gây bệnh TCM đã được xác định vào năm 1969 tại Mỹ, sau đó xuất hiện hàng loạt các trận dịch tại các nước: Hungary, Nhật, Trung Quốc, Malaysia... Tại Việt Nam, lần đầu tiên đã phân lập được Enterovirus từ 12 trường hợp viêm não trong trận dịch TCM ở miền Nam nước ta vào năm 2003 và năm 2011 bệnh TCM chính thức được đưa vào hệ thống báo cáo thường quy của Bộ Y tế Việt Nam, cũng là năm bùng phát bệnh TCM, với 112.370 ca mắc và 169 ca tử vong.

Theo số liệu của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận trên 11.000 trường hợp mắc bệnh TCM tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có gần 7.000 trường hợp nhập viện, không có tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc cả nước giảm 55,6%, số trường hợp nhập viện giảm 51,5%, tuy vậy một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc gia tăng trong các tuần gần đây.

Tại Tiền Giang, từ đầu năm đến nay ghi nhận trên 400 ca mắc bệnh TCM, giảm trên 34% so với cùng kỳ năm 2019, chưa có ca tử vong. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, dự báo số ca mắc bệnh này có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền, đặc biệt là vào mùa tựu trường, học sinh chuẩn bị tập trung vào năm học mới.

BSCKII Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, Tiền Giang đang tham gia vào Chương trình thử nghiệm vắc xin TCM.

Cụ thể, Tiền Giang cùng với tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và Tập đoàn Medigen Đài Loan thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng bệnh TCM do EV71 giai đoạn cuối cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi nhằm đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Trong đó, tại Tiền Giang, nghiên cứu được thực hiện tại huyện Cai Lậy, Cái Bè và TX. Cai Lậy vào tháng 7-2019. 1.358 trẻ em trong độ tuổi đã được tuyển tham gia chương trình và đang hoàn tất mũi 3 cho trẻ dưới 3 tuổi. Dự kiến thử nghiệm sẽ kết thúc vào cuối năm 2021.

CƠ CHẾ LÂY TRUYỀN BỆNH

Ths-BS Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang chia sẻ thông tin liên quan đến vi rút gây bệnh TCM, từ đó hình thành cơ chế lây truyền bệnh để người dân ý thức tự bảo vệ sức khỏe con em, gia đình mình. Cụ thể, vi rút gây bệnh TCM thuộc nhóm Enteroviruses, họ Picornavirus.

Picornavirus là một họ virus lớn, gồm có 6 nhóm, trong đó nhóm Entero- , Rhino- , Parech- , Cardio- và Hepato- gây bệnh chủ yếu ở người. Aphthovirus gây bệnh lở mồm long móng ở động vật. Chính cái tên Enteroviruses cũng đã phản ánh tầm quan trọng của đường tiêu hóa như là vị trí nhiễm bệnh đầu tiên khi vi rút  xâm nhập và nhân lên; cũng là nguồn gốc lan truyền bệnh.

Trong nhóm Enteroviruses chia thành 4 phân nhóm vi rút nhỏ hơn, gồm Poliovirus (gây bệnh bại liệt), Echovirus, Coxsackievirus và Enterovirus. Hiện tại, Coxsackievirus và Enterovirus là 2 nhóm tác nhân gây bệnh TCM tại Việt Nam và các quốc gia khác.

Do vi rút không có bao nên các vi rút gây bệnh TCM đều ổn định trong môi trường của ký chủ như khi tiếp xúc với dịch vị ở dạ dày và vi rút có thể tồn tại nhiều ngày trong nhiệt độ phòng hay nhiệt độ tủ lạnh. Loại vi rút này không hoặc ít bị bất hoạt bởi các chất như: Cồn, Chloroform, Phenol, Ether nhưng bị bất hoạt bởi 2% Sodium hyproclorite, Chlorine tự do (Chloramin B 2%). Nguồn gây bệnh TCM là người đang mắc bệnh và người mang vi rút nhưng không biểu hiện triệu chứng.

Thời kỳ lây truyền của vi rút là vài ngày trước khi phát bệnh, mạnh nhất trong tuần đầu của bệnh và có thể kéo dài vài tuần sau đó, thậm chí sau khi bệnh nhân hết triệu chứng. Vi rút có khả năng đào thải qua phân người đến 12 tuần sau khi nhiễm. Vi rút cũng tồn tại, nhân lên ở đường hô hấp trên và đào thải qua dịch tiết từ hầu họng trong vòng 2 đến 4 tuần.

Sau khi xâm nhập vào vùng hầu - họng, sinh sản lên ở đường hô hấp trên và ruột non, vi rút TCM xâm nhập vào máu, gây nhiễm vi rút máu và lan tỏa đến nhiều cơ quan đích khác nhau và biểu hiện gây bệnh, bao gồm hệ thần kinh trung ương, da và niêm mạc tim, gan, tụy, tuyến thượng thận… Tình trạng nhiễm vi rút máu cũng liên tục tăng do sự nhân đôi và lan tỏa của vi rút từ các vị trí thứ phát này. Có thể có 2 hay nhiều hơn tuýp vi rút gây bệnh TCM xâm nhập đồng thời vào đường tiêu hóa nhưng thường chỉ có 1 tuýp phát triển mạnh (sự phát triển của tuýp này ức chế sự phát triển của tuýp kia).

BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ DƯỚI 5 TUỔI

Vi rút gây bệnh TCM hiện diện khắp nơi trên trái đất và chịu ảnh hưởng của mùa và khí hậu. Tại Mỹ và các nước vùng ôn đới, bệnh thường xảy ra theo mùa là mùa hè và mùa thu; đôi khi bệnh xảy ra lẻ tẻ trong năm. Tại các nước nhiệt đới (trong đó có Việt Nam) và cận nhiệt đới, bệnh xảy ra quanh năm và thường có 2 đỉnh dịch là vào tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.

Từ trẻ đến già đều có thể cảm nhiễm với vi rút gây bệnh TCM, nhưng không phải tất cả những người nhiễm vi rút đều có biểu hiện bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Người lớn ít bị mắc bệnh hoặc bị triệu chứng nhẹ do đã có kháng thể từ những lần bị nhiễm hoặc mắc bệnh trước đây.

Cho đến nay, cũng như đối với hầu hết các bệnh lý nhiễm siêu vi, chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh do vi rút gây bệnh TCM gây ra. Để phòng, chống lây nhiễm vi rút gây bệnh TCM, chúng ta nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn và uống đủ nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân tốt, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng, vệ sinh sạch các đồ chơi của trẻ, hạn chế đến những chỗ đông người và tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh, nếu phát hiện thấy bệnh với biểu hiện giống như cảm sốt, viêm họng hoặc phát ban, nổi bóng nước thì đến bác sĩ khám ngay.

MAI HÀ

.
.
.