.

GS.TS Nguyễn Thanh Long: Mỗi một bệnh nhân Covid-19 tử vong, anh em đều nhắn tin xin lỗi!

Cập nhật: 20:23, 14/08/2020 (GMT+7)
Đợt này, dịch Covid-19 tấn công vào đúng khu vực xung yếu nhất là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, tự thân tính mạng đã rất mong manh, sự sống của nhiều người phụ thuộc vào máy móc. Mắc thêm Covid-19 chỉ như giọt nước tràn ly. Dù các thầy thuốc đã nỗ lực hết sức nhưng nhiều trường hợp đã không qua khỏi
 
a
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long phân tích về chùm ca bệnh tại Hải Dương. Ảnh: Đình Nam/VGP
Ngày 14-8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp triển khai biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay dưới sự chù trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia.
 
Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, qua phân tích diễn biến dịch bệnh, Ban Chỉ đạo nhận định thời gian tới sẽ không còn những thời điểm nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Nhiều địa phương luôn đứng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát nên cần nâng cao mức độ cảnh báo, thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng chống dịch đã triển khai. Đối với công tác ngăn chặn dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Bộ Y tế phối hợp với địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng. Dự kiến đến hết tháng 8-2020 có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại đây.
 
a
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Đình Nam/VGP
Đáng chú ý, liên quan tới công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã cử tất cả các đội tinh nhuệ nhất từ các bệnh viện lớn vào chi viện, phối hợp, hỗ trợ địa phương. Tất cả các trang thiết bị cần thiết đều được đưa vào để phục vụ điều trị.
 
“Tuy nhiên, do đợt này, dịch Covid-19 tấn công vào đúng khu vực xung yếu nhất là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, tự thân tính mạng đã rất mong manh, sự sống của nhiều người phụ thuộc vào máy móc. Mắc thêm Covid-19 chỉ như giọt nước tràn ly. Do vậy dù các thầy thuốc đã nỗ lực hết sức nhưng nhiều trường hợp đã không qua khỏi. Mỗi một bệnh nhân tử vong, anh em đều nhắn tin về “xin lỗi thủ trưởng, chúng tôi không cứu được”- GS.TS Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
 
Đối với ổ dịch mới đây nhất tại Hải Dương, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang khẩn trương tiến hành phân tích sâu, giải mã gen virus gây bệnh ở Hải Dương để xem xét mức độ liên quan với chủng virus gây bệnh ở Đà Nẵng.
 
Tuy nhiên, có thể nhận thấy việc xảy ra chùm ca bệnh tại Hải Dương là một biểu hiện cộng đồng còn rất chủ quan. Sau khi xảy ra dịch bệnh ở Đà Nẵng, nhiều cảnh báo của cơ quan y tế đã được thông báo rộng rãi cả nước nhưng một tiệm ăn rất đông người song người phục vụ đều không đeo khẩu trang, khách hàng rất đông và không thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn.
 
“Để chủ động kiểm soát tình hình, thành phố Hải Dương thực hiện cách ly xã hội là giải pháp mạnh mẽ, kịp thời, đúng đắn. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Hải Dương truy vết, cách ly khoanh vùng, dập dịch, đặc biệt triển khai nhanh nhất có thể việc lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng với tất cả những người đi đến, có liên quan đến quán ăn ở Hải Dương”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
 
Sau khi lắng nghe ý kiến từ các bộ, ngành chức năng về diễn biến dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo chỉ rõ, chiến lược chống dịch của chúng ta là chiến dịch của nước còn nghèo. Cả cộng đồng phải chung sức để cùng ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan rộng. Phương châm phòng chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch thực hiện từ đầu đến giờ vẫn không thay đổi.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chúng ta phải triển khai đồng bộ các biện pháp để chung sống an toàn với dịch. Đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ, thực tiễn cho thấy, trong đợt dịch này, ở nhiều nơi, cả chính quyền lẫn người dân, có biểu hiện chủ quan, ứng phó đủng đỉnh, chưa thực sự vào cuộc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “mỗi người dân là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình, làng xã là một pháo đài chống dịch”.
 
Vì vậy, Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị mới để chỉ đạo các địa phương và người dân triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch trong thời gian tới. Trong đó chúng ta cần phải nâng mức cảnh báo về dịch bệnh. Chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là; phải chuyển sang trạng thái ứng phó mạnh mẽ hơn; siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Mỗi cấp chính quyền phải có phương án chủ động, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện để ứng phó kịp thời khi có tình huống dịch bùng phát. Đặc biệt, cần “cột chặt trách nhiệm của người đứng đầu các cấp” trong công tác phòng chống dịch.
 
(Theo sggp.org.vn)
 
.
.
.