Thứ Hai, 17/08/2020, 20:48 (GMT+7)
.

Những hệ lụy khôn lường của thuốc lá thế hệ mới với giới trẻ Việt Nam

 Các sản phẩm thuốc lá không khói (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) đã bị biến tướng từ một công cụ giúp giảm thiểu tác hại thuốc lá trở thành “món đồ chơi thời thượng” của giới trẻ.

Tình trạng buôn bán bất hợp pháp thuốc lá thế hệ mới trên mạng xã hội ngày càng tràn lan, thậm chí được tiếp thị sai với chỉ định của nhà sản xuất. Do đó, cần sớm có chính sách quản lý phù hợp, để ngăn giới trẻ tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá này.

Thuốc lá điện tử bị biến tướng thành “món đồ chơi thời thượng” của giới trẻ
Thuốc lá điện tử bị biến tướng thành “món đồ chơi thời thượng” của giới trẻ

Báo cáo 2018 của WHO cho thấy khoảng 43 triệu thanh thiếu niên (từ 13-15 tuổi) hút thuốc lá, trong đó tỷ lệ nam giới sử dụng thuốc lá điếu tới 45,3% và 1,1% ở nữ.

Cũng theo WHO, số liệu 2015, có 0,2% người tại Việt Nam hút thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Mặc dù tỷ lệ này chưa cao, nhưng thực trạng kinh doanh bất hợp pháp, tiếp thị sai với chỉ định của nhà sản xuất là điều đáng báo động.

Thuốc lá thế hệ mới là tên gọi của các sản phẩm thuốc lá không khói, tiêu biểu nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Thuốc lá thế hệ mới được cho là biện pháp giảm thiểu tác hại dành cho người hút thuốc lá trưởng thành không hoặc chưa cai nghiện thành công.

Thế nhưng, tại Việt Nam do chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể dành cho sản phẩm, tất cả các sản phẩm về tới Việt Nam đều là những hàng xách tay từ nguồn Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga đối với thuốc lá nung nóng, và những nguồn hàng Trung Quốc đa phần được tìm thấy trên thuốc lá điện tử.

Những “tay buôn hàng” đã lợi dụng kẽ hở này và đã biến tướng cách sử dụng sản phẩm từ một công cụ giúp giảm thiểu tác hại thuốc lá thành “món đồ chơi thời thượng” của giới trẻ, nhất là thuốc lá điện tử.

Do đó, không khó để thấy hiện nay tỷ lệ trẻ dưới tuổi vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 1,1% lên 2,6% trong vòng 4 năm (số liệu thống kê từ năm 2015-2019).

Theo các chuyên gia y tế, cần tuyệt đối ngăn chặn trẻ em và người dưới 18 tuổi tiếp cận với tất cả các sản phẩm thuốc lá, bao gồm thuốc lá điếu, thuốc lào, mới nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm nicotine thay thế khác.

Cần tuyệt đối ngăn chặn trẻ em và người dưới 18 tuổi tiếp cận với tất cả các sản phẩm thuốc lá
Cần tuyệt đối ngăn chặn trẻ em và người dưới 18 tuổi tiếp cận với tất cả các sản phẩm thuốc lá

Để làm được việc này, các chuyên gia hoạch định chính sách trên thế giới cho rằng cần có sự chung tay của toàn xã hội bên cạnh trách nhiệm của nhà nước và các cơ quan quản lý.

Từ góc độ các cơ quan chức năng, cần tăng cường các biện pháp phòng chống nạn buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá trên mạng.

Mặt khác, từ góc độ gia đình, chính hành vi hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm nicotine thay thế của ba mẹ trước mặt trẻ cũng cần được loại trừ.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc chưa có hành lang pháp lý cho các loại thuốc lá cụ thể để quản lý thuốc lá thế hệ mới cũng gây khó khăn trong việc kiểm soát sự tiếp cận của giới trẻ.

Với đặc thù của mạng xã hội, giới trẻ tự do hơn trong việc tiếp cận thông tin, nếu không có quy định cụ thể, việc kiểm soát sẽ gặp nhiều trở ngại.

Viện nghiên cứu R Street (Mỹ) cho rằng nên thừa nhận sự có mặt của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới

Kinh nghiệm từ Viện Nghiên cứu R Street (Mỹ), nên thừa nhận sự có mặt của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, và tăng cường quản lý để giới trẻ không tiếp cận bằng các biện pháp phù hợp như tăng độ tuổi sử dụng từ 18 lên 21, và quy định cách tiếp thị, bán hàng các sản phẩm này từ những nhà sản xuất hợp pháp sao cho không hấp dẫn giới trẻ.

Thực tế cho thấy việc sớm quản lý thuốc lá thế hệ mới đóng vai trò rất lớn trong giảm thiểu việc thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tiếp cận, sử dụng sản phẩm.

Cụ thể, theo khảo sát toàn quốc của Đức chỉ 0,3% đã từng sử dụng sản phẩm thuốc lá nung nóng.

Tại Nhật Bản, nghiên cứu năm 2018 do Bộ Y tế Nhật Bản tài trợ thực hiện cho thấy chỉ 0,1% học sinh sử dụng sản phẩm thuốc lá nung nóng hằng ngày trong cả 2 cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Tương tự vào năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu về Hành vi Nghiện Thụy Sĩ, đã công bố phân tích trên 11,121 học sinh Thụy Sĩ ở độ tuổi 11-15. Dưới 2% trong nhóm 15 tuổi báo cáo đã từng sử dụng sản phẩm thuốc lá nung nóng ít nhất một lần trong đời.

Trong số đó, gần như tất cả người trẻ trong khảo sát này đều đều hút thuốc lá điếu đốt cháy trước đó.

Từ góc độ các doanh nghiệp thuốc lá, trường hợp được hợp pháp thương mại, cần tuân thủ quy định về thông tin nhãn hiệu, quản lý nhà phân phối, người bán lẻ trong hệ thống đến việc tiếp thị.

Ở các nước tiên tiến, các chương trình tiếp thị sản phẩm này đều được báo cáo lên các cơ quan chức năng của nước sở tại để cùng đạt đến mục tiêu đưa tỷ lệ tiếp cận sản phẩm của giới trẻ ở mức thấp nhất và tiến đến gần bằng không, hoặc các công ty thuốc lá luôn phải đề cao việc thực hành tiếp thị có trách nhiệm, phòng tránh sự tiếp cận của giới trẻ.

Điển hình như tại tập đoàn Phillip Morris International (PMI), việc sử dụng công nghệ xác minh tuổi trên các sản phẩm thuộc danh mục thiết bị không khói đang được đưa vào áp dụng và đặt mục tiêu đạt 100% đến năm 2023.

Các chuyên gia trên thế giới cho rằng, mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy tỷ lệ thanh thiếu nên tiếp cận thuốc lá thế hệ mới tăng cao, nhưng việc kiểm soát gắt gao nhằm ngăn chặn ngay từ đầu sự tiếp cận của giới trẻ tới các sản phẩm này vẫn cần ưu tiên hàng đầu.

Chính vì thế, mặc dù vừa qua, FDA đã cho phép Philip Morris International Inc. (PMI) có thể kinh doanh tiếp thị các sản phẩm IQOS là sản phẩm giảm thiểu sự phơi nhiễm của người dùng với các chất hóa học gây hại có trong thuốc lá điếu, FDA vẫn nhấn mạnh yêu cầu PMI phải tiếp tục thực hiện đánh giá sự nhận biết và sử dụng sản phẩm IQOS trong đối tượng thanh thiếu niên.

Kết quả của việc đánh giá này sẽ ảnh hưởng tới việc gia hạn quyết định của FDA sau 4 năm.

(Theo TTXVN)

.
.
.