Chủ Nhật, 02/08/2020, 19:07 (GMT+7)
.

Xử lý nghiêm trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục siết toàn bộ hệ thống chống dịch các ngành y tế, quân đội, công an; đồng thời lưu ý việc rà soát, bảo vệ đối tượng người già, người có bệnh nền.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

“Yêu cầu lên án và xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc. Mỗi một người dân phải có trách nhiệm vì cộng đồng. Các cấp chính quyền có trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan."

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp của Ban chỉ đạo vào trưa 2-8, tại Văn phòng Chính phủ.

Đề xuất phân loại các địa phương theo 3 mức độ

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 9 giờ ngày 2-8, Việt Nam ghi nhận 590 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 323 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, 5 trường hợp tử vong (bệnh nhân 428; 437; 499; 524; 475 - các bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng). Tổng cộng có 373 bệnh nhân đã được chữa khỏi.

Chỉ tính riêng từ ngày 25-7 đến nay, Việt Nam ghi nhận 144 trường hợp mắc COVID-19 tại 7 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (105 trường hợp); Quảng Nam (25 trường hợp); Đắk Lắk (1 trường hợp); Thành phố Hồ Chí Minh (8 trường hợp); Quảng Ngãi (2 trường hợp); Hà Nội (2 trường hợp); Thái Bình (1 trường hợp).

Ngoài các ca bệnh nhập cảnh, các ca bệnh được ghi nhận đến thời điểm hiện nay đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng.

Phân tích diễn biến tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định đây là ổ dịch phức tạp nên công tác đối phó căng thẳng, khó khăn hơn; dự báo kéo dài hơn so với các ổ dịch trước đó. Qua phân tích yếu tố dịch tễ, sinh học phân tử và các yếu tố liên quan, mức độ bùng phát ổ dịch Đà Nẵng nhanh hơn.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải thích chủng mới của virus SARS-CoV-2 xâm nhập từ nước ngoài vào làm tăng khả năng cảm nhiễm, bám dính, lây lan nhanh. Hệ số lây nhiễm cơ bản vào khoảng 6-10 (trước đây khoảng 1,8-2,2; trong khi muốn kiểm soát dịch bệnh phải đạt hệ số dưới 1). Do đó, tỷ lệ F2 bị mắc COVID-19 tăng lên, điển hình tại Quảng Nam, các ca F2 hiện chiếm khoảng 60% tổng số ca nhiễm bệnh.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tính từ ngày 1/7-29/7, lượng người trở về từ Đà Nẵng hoặc đi đến cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước khoảng 1,4 triệu người. Tâm dịch lớn nhất của ổ dịch Đà Nẵng là cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng với khoảng 800.000 người đến khám và qua lại, trong đó có 46.000 người đến khám chữa bệnh.

"Thời gian tới, chắc chắn sẽ phát hiện thêm các ca nhiễm mới ở một số địa phương khác trên địa bàn Đà Nẵng cũng như trên cả nước," Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Trên tinh thần tập trung cao độ, tối đa nhằm kiểm soát, dập ổ dịch tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tập trung tối đa các giải pháp như: bổ sung lực lượng tinh nhuệ điều trị; tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác giám sát phòng, chống dịch với 63 tỉnh, thành phố; ban hành các thông báo khẩn; ban hành hướng dẫn đánh giá Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch...

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã quyết liệt, chủ động chỉ đạo hệ thống các bệnh viện "lên dây cót," thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch liên quan đến quy trình khám chữa bệnh, tầm soát, sàng lọc, bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ; trong đó lưu ý các khoa có bệnh nhân nặng, có bệnh nền nặng.

Liên quan đến công tác xét nghiệm, Việt Nam đã thực hiện tổng số 474.540 xét nghiệm Realtime RT-PCR. Từ ngày 25-7 - 1-8, Đà Nẵng đã thực hiện 9.330 xét nghiệm/10.055 mẫu đã thu thập; chỉ tính riêng ngày 1/8 thực hiện 3.130 xét nghiệm. Hà Nội đã thực hiện 1.992 xét nghiệm (trong đó, tất cả 115 trường hợp F1 của 2 bệnh nhân ở Mễ Trì và Hoàng Hoa Thám đã được xét nghiệm lần 1 ngày 31-7-2020, kết quả đều âm tính). Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 12.286 xét nghiệm.

Tại cuộc họp, phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo mạnh mẽ giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng như thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn; hạn chế tập trung nơi đông người; bố trí nước sát khuẩn tại các khu chung cư, văn phòng làm việc…

“Tất cả các biện pháp nhằm tạo lại nền cho cộng đồng phòng bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng," ông Trần Đắc Phu cho biết.

Do tình hình ca nhiễm F1 ngày càng tăng, Cục trưởng Cục Quân Y, Bộ Quốc Phòng Nguyễn Xuân Kiên đề xuất khi hết chỗ cách ly tập trung, cho phép các ca F1 cách ly và lấy mẫu xét nghiệm sớm tại nhà; đồng thời, phong tỏa những địa điểm có đông ca F1.

Bên cạnh việc đề xuất thành lập bệnh viện dã chiến để cách ly tập trung và điều trị những ca F1 nhẹ, Cục trưởng Nguyễn Xuân Kiên đề nghị các bệnh viện kích hoạt lại hệ thống khám chữa bệnh từ xa; đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh.

Tại cuộc họp, các thành viên thống nhất đề xuất quy trình: Ban Chỉ đạo Quốc gia căn cứ vào đề nghị của các tỉnh, thành phố; cơ quan thường trực Bộ Y tế để trình Thủ tướng phân loại các địa phương theo 3 mức độ khác nhau: nguy cơ thấp; nguy cơ; nguy cơ cao. Các ý kiến cũng cho rằng xét trên tình hình thực tế, Đà Nẵng và Quảng Nam coi như thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Đề xuất 2 đợt thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông

Liên quan đến phân loại các thí sinh thành 4 nhóm đối tượng F0, F1, F2, F3 và nhóm các thí sinh khác trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng không có học sinh thuộc nhóm F0; 8 học sinh thuộc nhóm F1; 36 học sinh thuộc nhóm F2. Quảng Nam và các địa phương khác không có học sinh thuộc các nhóm F0, F1, F2.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề xuất dừng kỳ thi và có phương thức phù hợp để học sinh được xét tuyển vào đại học. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đề xuất 3 phương án tính đến ngày 6-8: Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, kỳ thi diễn ra bình thường; dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ dừng kỳ thi 1 tháng; dịch bệnh khó kiểm soát đề xuất dừng tổ chức kỳ thi.

Đánh giá các phương án đề xuất, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết không chỉ liên quan đến việc xét tốt nghiệp, sau 12 năm học, nhiều học sinh muốn dự Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông để thể hiện năng lực.

Liên quan đến vấn đề này, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016-2021 cho rằng những vùng chưa phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động học tập và thi cử diễn ra bình thường; vùng có nguy cơ cao hoặc phải thực hiện giãn cách xã hội sẽ đề xuất hoãn thi.

“Đề thi của kỳ thi phụ vẫn đảm bảo công bằng như kỳ thi chính. Trong các kỳ thi, ngoài đề thi chính thức đều có đề thi dự bị. Do đó, nếu tổ chức được 2 đợt, vấn đề công bằng không phải mối quan tâm lớn. Trên cơ sở tỷ lệ phân tích chỉ tiêu đăng ký những năm trước đó của từng địa phương, các trường đại học giữ lại một số chỉ tiêu nhất định hoặc tăng chỉ tiêu bổ sung để xét tuyển cho địa phương thi sau," ông Nguyễn Hữu Đức nêu rõ.

Siết lại toàn bộ hệ thống chống dịch

Trên cơ sở xác định đúng dự báo ban đầu về tình hình của Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an, Quốc phòng, Bộ Y tế trong việc tăng cường các chuyên gia, lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục siết toàn bộ hệ thống chống dịch các ngành y tế, quân đội, công an; đồng thời lưu ý việc rà soát, bảo vệ đối tượng người già, người có bệnh nền; rà soát lại quy trình khám chữa bệnh trong bệnh viện, chú ý bảo vệ, phòng thủ tại những khoa có bệnh nhân nặng.

Từ kinh nghiệm không giữ lại khách du lịch, tránh tình trạng quá tải ở Đà Nẵng trong thời gian qua, Phó Thủ tướng nêu rõ bên cạnh việc tập trung xử lý tâm dịch tại cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, thời gian tới, mở rộng tập trung kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng ở Đà Nẵng cũng như các địa bàn đồng bằng thuộc tỉnh Quảng Nam; đề phòng nhiều người nhiễm trong cộng đồng được phát hiện.

Trên tinh thần cách ly tối đa ca F1, Phó Thủ tướng nêu rõ trong trường hợp hết khả năng cách ly tập trung sẽ hướng dẫn, xem xét, bổ sung phân loại nhằm cách ly F1 tại nhà (tùy vào điều kiện từng ca F1). Bên cạnh ý thức tự giác của người dân, lực lượng công an cần phối hợp với ngành y tế tăng cường kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện cách ly tại nhà.

Trước tình hình thực tế đón người nước ngoài vào, người Việt Nam từ nước ngoài về, Phó Thủ tướng kêu gọi, bắt buộc tất cả người dân tải và sử dụng ứng dụng Bluezone (nhằm phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm qua điện thoại thông minh nhanh chóng, chính xác, ít tốn kém); ứng dụng NCOVI (nhằm khai báo y tế và theo dõi sức khỏe).

Yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Mỗi một người dân phải có trách nhiệm vì cộng đồng. Các cấp chính quyền có trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan."

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà; giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; hạn chế đến nơi đông người khi không cần thiết. Các phương tiện công cộng đảm bảo đúng các quy định an toàn dịch bệnh.

Đối với những tỉnh có nguy cơ cao, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Y tế rà lại quy định, trên tinh thần ưu tiên tổ chức kỳ thi an toàn trên hết; đồng thời đảm bảo cơ hội vào đại học theo nguyện vọng và năng lực của học sinh.

Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất trình Thủ tướng Chỉ thị mới theo thực tế tình hình hiện nay.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/xu-ly-nghiem-truong-hop-khong-khai-bao-y-te-khong-cach-ly-nghiem-tuc/655145.vnp)

.
.
.