Thứ Ba, 13/10/2020, 16:12 (GMT+7)
.

Bổ sung vắc xin để tăng cường miễn dịch cộng đồng

Vắc xin là một tiến bộ của y học mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe con người. Tại Tiền Giang, bệnh bại liệt đã được thanh toán từ nhiều năm trước và bệnh sởi được khống chế nhờ vắc xin. Tuy nhiên, trước nguy cơ quay trở lại của 2 căn bệnh này trên thế giới và khu vực, theo chỉ đạo của Bộ Y tế và quyết định của UBND tỉnh, trong quý 4 năm nay Tiền Giang sẽ tổ chức tiêm bổ sung vắc xin sởi - Rubella và tiêm, uống bổ sung vắc xin bại liệt cho trẻ em vùng nguy cơ cao.

Cho trẻ được tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch là việc làm cần thiết của cha mẹ nhằm bảo vệ con trẻ trước nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm.
Cho trẻ được tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch là việc làm cần thiết của cha mẹ nhằm bảo vệ con trẻ trước nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm.

BỔ SUNG VẮC XIN BẠI LIỆT CHO TRÊN 83.600 TRẺ

Theo kế hoạch của Sở Y tế, tỉnh sẽ triển khai tiêm bù vắc xin IPV phòng ngừa bệnh bại liệt cho trẻ em sinh từ ngày 1-3-2016 đến ngày 28-2-2018 chưa được tiêm vắc xin IPV trong toàn tỉnh. Trong đó, địa phương có số trẻ em trong diện nhiều nhất là huyện Cái Bè, huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho. Dự kiến toàn tỉnh sẽ tổ chức 355 điểm tiêm chủng tại các trạm y tế và trường mầm non.

Cùng với tiêm bổ sung vắc xin IPV, tỉnh sẽ tổ chức cho toàn bộ trẻ em dưới 5 tuổi của vùng có nguy cơ cao uống bổ sung vắc xin bại liệt uống nhị liên (bOPV), chỉ trừ những trường hợp mới uống loại vắc xin này trong vòng 1 tháng trước ngày triển khai chiến dịch.

TP. Mỹ Tho và huyện Cái Bè là 2 địa phương thuộc vùng nguy cơ cao của tỉnh do tỷ lệ dân di biến đông. Ước tính có trên 35.300 trẻ trong diện bổ sung bOPV tại 2 địa phương này. Việc cho trẻ uống bổ sung bOPV được thực hiện 2 lần liên tiếp, lần sau cách lần trước 1 tháng. Mục tiêu triển khai chiến dịch bổ sung vắc xin bại liệt cho trẻ em của tỉnh là nhằm tăng cường miễn dịch bại liệt trong cộng đồng, bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt của tỉnh.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, lý do tỉnh phải thực hiện chiến dịch bổ sung vắc xin bại liệt cho trẻ em là xuất phát từ nguy cơ bệnh bại liệt quay trở lại trên thế giới và trong khu vực. Cụ thể, năm 2019, thế giới ghi nhận số ca bệnh bại liệt hoang dại (bại liệt tuýp 1) cao nhất trong 5 năm trở lại đây với 175 trường hợp, tăng 5,3 lần so với năm 2018 và gần 8 lần so với năm 2017. Bên cạnh đó, thế giới còn ghi nhận 339 trường hợp bại liệt do vắc xin biến đổi di truyền (cVDPV) xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một xu hướng đáng lo ngại của dịch bệnh trước bối cảnh mục tiêu thanh toán bại liệt trên toàn cầu đang tới gần.

Đặc biệt, theo cập nhật từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ tính trong 2 tháng đầu năm 2020 đã có thêm 17 trường hợp bại liệt hoang dại được ghi nhận, tăng 280% so với cùng thời điểm này năm 2019 (6 ca bệnh). Năm 2020 được dự đoán là năm bệnh bại liệt diễn biến phức tạp hơn nữa với sự gia tăng cả về số lượng, nguy cơ bùng phát dịch và khả năng xâm nhập các quốc gia trên thế giới.

Bại liệt là căn bệnh có từ rất lâu trong lịch sử loài người và từng là một trong những nỗi khiếp sợ trên toàn cầu với hàng ngàn trường hợp tử vong và gấp nhiều lần con số đó để lại những di chứng tàn tật suốt đời. Năm 1962, khi Việt Nam chế tạo thành công vắc xin bại liệt sống giảm độc lực (OPV) thì tỷ lệ mắc và tử vong đã giảm đáng kể, không có các vụ dịch xảy ra.

Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt. Nghĩa là Việt Nam đã không còn một bệnh nhân bại liệt nào do vi rút bại liệt hoang dại gây nên. Thành công đó rất đáng ghi nhận, tuy nhiên phần nào đó lại mang đến sự chủ quan trong một bộ phận không nhỏ ở các bậc cha mẹ trong cộng đồng dẫn đến khuynh hướng nguy hại là thuận tự nhiên không cần vắc xin và tiêm chủng. Tại Tiền Giang, tỷ lệ bao phủ vắc xin OPV và tiêm IPV luôn duy trì ở mức cao, trên 90%, tuy nhiên tỷ lệ này không đồng đều tại các địa phương.

Hiện nay, vắc xin bại liệt được tiêm chủng miễn phí tại các điểm tiêm chủng ở xã, phường trong chương trình tiêm chủng mở rộng với dạng 3 liều vắc xin uống (OPV) phòng 2 tuýp bại liệt 1, 2 và 1 mũi tiêm IPV với 3 tuýp bại liệt bất hoạt. Việc uống và tiêm chủng đủ mũi bại liệt sẽ giúp trẻ chủ động phòng bệnh, tránh những di chứng liệt và tàn tật suốt đời. Vì vậy, cha mẹ cần ghi nhớ cho trẻ đi uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt và tiêm 1 mũi vắc xin bại liệt để bảo vệ con mình.

6 HUYỆN TIÊM BỔ SUNG VẮC XIN SỞI - RUBELLA

Cùng với chiến dịch bổ sung vắc xin bại liệt cho trẻ, trong quý 4-2020 này tỉnh cũng sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella (MR) cho trẻ em dưới 5 tuổi tại 6 đơn vị cấp huyện nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch sởi, rubella trong cộng đồng. 6 địa phương được chọn là huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy, huyện Tân Phước, huyện Tân Phú Đông, huyện Gò Công Tây và TX. Gò Công.

Ước tính có gần 41.600 trẻ em tại các địa phương này là đối tượng tiêm chủng bổ sung. Việc tiêm bổ sung vắc xin MR năm nay sẽ được thực hiện tại 148 điểm, bao gồm trạm y tế và trường mẫu giáo trên địa bàn. Các địa phương còn lại đã triển khai chiến dịch vào năm 2019, với tỷ lệ bao phủ đạt trên 95% đối tượng.

Tại Tiền Giang, trong 5 năm trở lại đây tỷ lệ tiêm vắc xin sởi mũi 1 và MR đạt tỷ lệ cao, trên 97%, nhưng tỷ lệ này không đồng đều tại các địa phương. Việc trẻ không tiêm chủng hoặc tiêm chủng nhưng không có miễn dịch tích lũy qua nhiều năm tạo thành số lượng lớn trong cộng đồng sẽ là nguy cơ gây dịch vì mầm bệnh sởi vẫn còn lưu hành. Do đó, việc triển khai chiến dịch tiêm MR là vô cùng cần thiết, góp phần quan trọng không để dịch sởi, rubella bùng phát, hướng đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi và rubella trong tương lai.

MAI HÀ

.
.
.