.

Tiền Giang: Nỗ lực thực hiện cân bằng giới tính khi sinh

Cập nhật: 15:45, 21/10/2020 (GMT+7)

Hiện nay, bất bình đẳng giới vẫn đang diễn ra từ gia đình đến cộng đồng và được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS).

“Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu MCBGTKS” tiếp tục được chọn là chủ đề của Chiến dịch truyền thông MCBGTKS trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2020.

BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI VẪN CÒN HIỆN HỮU

Bình đẳng giới nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người. Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình; có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng như quyền quyết định số con, khoảng cách sinh, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái…

Tuy nhiên, hiện nay bất bình đẳng giới vẫn đang diễn ra từ gia đình đến cộng đồng và được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng MCBGTKS. Tiền Giang là tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao. Theo kết quả thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh năm 2014 là 109,6 bé trai/100 bé gái; đến 9 tháng năm 2020, tỷ số này của tỉnh đã giảm còn 108,88 bé trai/100 bé gái.

Bác sĩ CKII Trần Thanh Thảo phát động Chiến dịch truyền thông MCBGTKS trên địa bàn tỉnh năm 2020.
Bác sĩ CKII Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phát động Chiến dịch truyền thông MCBGTKS trên địa bàn tỉnh năm 2020.

Bác sĩ CKII Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tại chính phủ, các cơ quan, ban, ngành đã có những chương trình, dự án, hoạt động truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân cũng như việc cấm và xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tổ chức thông báo giới tính thai nhi trong quá trình khám thai. Tuy nhiên, thực trạng MCBGTKS vẫn đang có xu hướng gia tăng. Lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh là một trong những dạng bạo lực giới rất nghiêm trọng. Trên thực tế, có rất nhiều cặp vợ chồng vẫn tìm mọi cách để đẻ con trai cho bằng được, làm cho vấn đề nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn diễn ra.

CẦN THẤU HIỂU VÀ NGĂN CHẶN

Dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có khoảng 2,3 triệu đến 4,3 triệu nam giới không tìm được phụ nữ để kết hôn. MCBGTKS có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới và cộng đồng. Vì việc lựa chọn giới tính trước khi sinh là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự MCBGTKS nên Chính phủ Việt Nam quy định hành vi này là bất hợp pháp.

Vấn đề MCBGTKS cũng được đề cập trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để thực hiện hiệu quả các chính sách và chiến lược này nhằm giải quyết MCBGTKS ở Việt Nam cũng như ở tỉnh Tiền Giang.

Tại Lễ mít tinh phát động Chiến dịch truyền thông MCBGTKS trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2020, Bác sĩ CKII Trần Thanh Thảo đã phát biểu kêu gọi: “Dù bạn là ai, ở nông thôn hay thành thị, không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp, giới tính, hãy không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi để cùng chung tay hành động giảm thiểu MCBGTKS. Mỗi hành động dù nhỏ, bạn đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng xã hội bình đẳng, văn minh”.

Để giảm thiểu MCBGTKS, trước hết, cần phải thực hiện truyền thông thay đổi hành vi để giải quyết phân biệt đối xử về giới thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các tổ chức xã hội, cán bộ y tế, lãnh đạo địa phương và các nhóm đối tượng khác.

Thứ hai, để nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, các cơ quan, tổ chức, ban, ngành, đoàn thể cần quyết liệt hơn nữa trong việc thay đổi nhận thức của người dân, làm cho họ hiểu con gái cũng như con trai có thể thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội nhiều hơn; đồng thời, xây dựng các chương trình truyền thông, khung pháp lý thật sự đi vào cuộc sống.

Thứ ba, điều quan trọng là phải củng cố hệ thống thu thập dữ liệu để đảm bảo độ chính xác trong việc thu thập và báo cáo tỷ số giới tính khi sinh từ cấp xã tới cấp huyện, tỉnh; hiểu rõ hơn về sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh. Các nguồn dữ liệu phải có chất lượng đáng tin cậy để đảm bảo sự can thiệp của các chương trình dựa trên những bằng chứng xác thực.

Tiền Giang đã và đang thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu MCBGTKS đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cần phải tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vốn đã ăn sâu, bám rễ trong nhận thức của người dân và là nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước khi sinh.

THỦY HÀ

.
.
.