Thứ Sáu, 06/11/2020, 09:02 (GMT+7)
.

Nhiều hệ lụy từ lựa chọn giới tính khi sinh

Thời gian qua, bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện, có nhiều kết quả quan trọng, nhưng vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội. Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới được xác định là nguyên nhân chính gây mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) tại Việt Nam.

Tuần hành phát động Chiến dịch Truyền thông MCBGTKS trên đường phố TP. Mỹ Tho.
Tuần hành phát động Chiến dịch Truyền thông MCBGTKS trên đường phố TP. Mỹ Tho.

Năm 2004, dấu hiệu MCBGTKS đã bắt đầu xuất hiện. Sự chênh lệch tỷ số giữa số bé trai và bé gái sinh ra ở Việt Nam tăng nhanh chóng từ năm 2005 trở đi. Theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam đã lên mức 111,5 bé trai/100 bé gái.

Riêng Tiền Giang cũng là tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao. Theo kết quả thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh năm 2014 là 109,6 bé trai/100 bé gái; đến 9 tháng năm 2020, tỷ số này của tỉnh đã giảm còn 108,88 bé trai/100 bé gái. Sự MCBGTKS là kết quả của việc lựa chọn giới tính trước khi sinh. Ðiều này xuất phát từ quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường…

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117 quy định về xử phạt vi phạm hành chính tronng lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15-112020. Trong đó, nghiêm cấm hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi.

Điều 98 Nghị định 117 quy định hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi, hành vi bắt mạch hoặc siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi sẽ áp dụng hình thức phạt tiền, tùy từng hành vi, mà mức phạt có thể lên đến 10 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng.

Cùng với sự phát triển ngày càng tốt hơn của hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ hành nghề y dược trong và ngoài công lập có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao. Sự phát triển này, một mặt tạo điều kiện cung cấp chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn, mặt khác cũng làm tăng tình trạng lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước sinh.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, MCBGTKS sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Trong tương lai, nhiều nam giới Việt Nam sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời; áp lực khiến nam giới kết hôn sớm; có thể gia tăng bất bình đẳng giới trong tiếp cận việc làm; nhu cầu mua bán tình dục, xâm hại tình dục gia tăng và các mạng lưới mua bán phụ nữ có thể sẽ mở rộng hơn…

Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới không chỉ để bảo đảm bình đẳng giới, mà còn giúp cải thiện được tình trạng kết hôn của người dân trong tương lai. Do đó, cần có sự nỗ lực trong thúc đẩy việc thực hiện các chính sách và luật pháp nhằm ngăn chặn việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới một cách mạnh mẽ, sâu rộng hơn.

Ngoài ra, một trong những mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 là đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Chiến lược đã nêu rõ: Giải pháp then chốt là phải tăng cường công tác bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới. Cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.

PHƯƠNG NGHI
 

.
.
.