Thứ Năm, 19/11/2020, 14:49 (GMT+7)
.

Nỗ lực "chiến đấu" với căn bệnh thế kỷ

Từ huyện có số bệnh nhân nhiễm HIV tương đối cao, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 54 ngày 30-5-2005 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã đạt được những kết quả tích cực. Nếu tính từ ca mắc đầu tiên năm 1993 đến tháng 9-2020 thì huyện Châu Thành có 513 ca mắc, trong đó tử vong 156 ca, còn sống 357 ca. Đến nay, huyện đã cơ bản kiềm chế được tốc độ gia tăng số người bị nhiễm mới trong cộng đồng cũng như cơ bản quản lý được bệnh nhân HIV/AIDS.

QUYẾT LIỆT VÀ BÀI BẢN

Để có kết quả đó, trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể đã đưa vào nghị quyết, nội dung lãnh đạo, kế hoạch công tác hằng năm và theo từng giai đoạn 2005 - 2010, 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020, thường xuyên sơ kết đánh giá kết quả thực hiện để tăng cường lãnh đạo, quản lý, tuyên truyền phòng, chống đại dịch này. Bên cạnh đó là kịp thời thành lập và thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS - tệ nạn ma túy, mại dâm từ huyện đến cơ sở bảo đảm hoạt động hiệu quả, thể hiện tốt vị trí, vai trò, nhiệm vụ.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện tuyên truyền về phòng, chống các bệnh lây qua đường tình dục và bệnh HIV/AIDS  cho học sinh ở Trường THCS Long An vào ngày 19-10-2020.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Châu Thành tuyên truyền về phòng, chống các bệnh lây qua đường tình dục và bệnh HIV/AIDS cho học sinh ở Trường THCS Long An vào ngày 19-10-2020.

Đồng thời, đảo đảm nguồn nhân lực cơ hữu, toàn huyện hiện có tổng cộng 32 người, trong đó trình độ trên đại học 2 người, đại học 9 người, cao đẳng - trung cấp 21 người và thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông, giám sát, tư vấn về HIV/AIDS.

Các chương trình phòng, chống được triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị và thu hút sự quan tâm hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, nhất là từ năm 2012 đến nay, đã thật sự tạo nên phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” phát triển rộng khắp.

Đặc biệt trong công tác này, ngành Y tế thể hiện rõ vai trò cơ quan thường trực về chuyên môn trong triển khai thực hiện. Hằng năm, Trung tâm Y tế huyện thực hiện hiệu quả “Tháng truyền thông dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” và “Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS”, “Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1-12”, tích cực đẩy mạnh hoạt động truyền thông chú trọng phối hợp ban, ngành, đoàn thể, trường học... trực tiếp tuyên truyền đến các đối tượng, nhất là đoàn viên, thanh niên, học sinh, đối tượng cai nghiện ma túy và thường xuyên phát bài truyền thông trên sóng phát thanh.

Các thành viên Ban Chỉ đạo và y tế cơ sở tổ chức truyền thông trong các đợt thực hiện chiến dịch và các cuộc sinh hoạt định kỳ của ngành, đoàn thể và họp tổ nhân dân tự quản, nhóm. Hoạt động truyền thông đã kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền miệng thân thiện, phù hợp với từng đối tượng, từ đó cung cấp kiến thức, giúp cho người dân hiểu đúng - đầy đủ, tích cực tham gia phòng chống HIV/AIDS.

“CUỘC CHIẾN” VẪN TIẾP DIỄN

HIV/AIDS vẫn là một đại dịch vì chưa có thuốc đặc trị, vẫn là “bóng ma” gây hiểm họa nhiều mặt đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, vì vậy phòng bệnh vẫn là công tác ưu tiên hàng đầu. Huyện Châu Thành có các khu, cụm công nghiệp thu hút đông đảo lao động với nhiều thành phần khác nhau, khá phức tạp, trong đó xuất hiện nhiều căn bệnh có nguồn gốc từ tệ nạn xã hội.

Trong thời gian tới, để đạt kết quả cao trong phòng, chống, góp phần quan trọng vào mục tiêu thanh toán đại dịch này vào năm 2030, huyện Châu Thành xác định đây là nhiệm vụ mang tầm chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và đẩy mạnh xã hội hóa, tạo sự đồng thuận cao trong phòng chống, đưa chủ đề “Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS” thành phương châm hành động, phấn đấu giảm số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng dân cư đến mức thấp nhất có thể.

Để đạt mục tiêu này,  trước hết phải “Thu hẹp khoảng cách” - chủ đề mà Chương trình phối hợp phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp quốc đã đề ra nhân “Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1-12” năm 2020 này, tạo mọi điều kiện để người bệnh tiếp cận các biện pháp điều trị hiệu quả, chất lượng.

Cùng với đó là làm tốt việc quản lý, cập nhật thông tin, duy trì và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng cách kết hợp nhiều hình thức phù hợp từng đối tượng; tăng cường chia sẻ, động viên, giúp đỡ, xoá bỏ sự kỳ thị để người nhiễm HIV/AIDS ổn định cuộc sống, có điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân và hòa nhập cộng đồng.

NGUYỄN MINH TÂM

.
.
.