.

Việt Nam được đánh giá cao về nỗ lực phòng, chống kháng thuốc

Cập nhật: 16:32, 26/11/2020 (GMT+7)

Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao về những nỗ lực và đóng góp cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới.

Chăm sóc cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chăm sóc cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ năm 2013 đến nay, sau khi Bộ Y tế ban hành quyết định số 2174/ QĐ-BYT ngày 21-6-2013 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, Bộ Y tế, WHO và các cơ quan liên quan đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực để thực hiện kế hoạch này.

Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao về những nỗ lực và đóng góp cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới.

Phó giáo sư Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Hội y học các nước Đông Nam Á đã cho biết như vậy khi phát biểu tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ IX được tổ chức ngày 26-11, tại Hà Nội.

Phó giáo sư Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh hiện nay Việt Nam đang là một quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Trên thực tế, thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc của nhiều người dân và nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng.

Chính vì vậy, nhiều bệnh viện đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phân tích việc phát minh ra kháng sinh được coi như là một điều kỳ diệu trong y học hiện đại. Thuốc kháng sinh ra đời đã giúp thay đổi lớn trong công tác điều trị, giúp tiêu diệt các vi khuẩn nguy hiểm, nhờ vậy nhiều loại bệnh đã được không chế, giúp nhiều trẻ em sống sót hơn và tuổi thọ của người dân được kéo dài. Hiện nay tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã trên 70 tuổi.

Nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy việc lạm dụng và lạm dụng thuốc kháng sinh của con người không hợp lý đã tạo điều kiện cho vi khuẩn xây dựng sức đề kháng với thuốc kháng sinh, khiến chúng hầu như không còn hiệu quả. Nguyên nhân là do tình trạng bán kháng sinh không theo đơn thuốc vẫn còn phổ biến.

“Hiện nay việc kháng thuốc kháng sinh cũng nguy hiểm như dịch COVID-19 và đây được xác định là 2 mối hiểm họa với y tế toàn cầu. Vì vậy, chúng ta cần kiểm soát và cùng nhau sử dụng kháng sinh hợp lý và an toàn,” phó giáo sư Khuê khuyến cáo.

Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành cũng tập trung thảo luận, phân tích các nguy cơ từ việc lạm dụng sử dụng kháng sinh và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm quản lý thuốc kháng sinh tại Việt Nam, sử dụng kháng sinh đúng và hiệu quả trong điều trị...

Các thông điệp chính từ hội nghị khoa học quan trọng này sẽ được sử dụng để tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ trong cộng đồng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc cập nhật các phác đồ điều trị cũng được đưa ra trong hội nghị và sẽ tiếp tục được tập huấn và đào tạo cho hệ thống y tế bởi Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam.

Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ IX của Tổng hội Y học Việt Nam năm 2020 được tổ chức nhằm tiếp nối các hoạt động của tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam.

Với chủ đề “Phòng chống kháng kháng sinh,” hội nghị này có 12 báo cáo khoa học của các báo cáo viên là các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế trình bày.

Đây là diễn đàn khoa học để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu, các thầy thuốc lâm sàng cập nhật các thông tin y học trong nước và trên thế giới. Các chuyên gia chia sẻ những nghiên cứu, kinh nghiệm các biện pháp phòng chống kháng thuốc trong cộng đồng và cùng chung tay góp sức, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, sự giảm đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, góp phần giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, xã hội do kháng thuốc gây ra đối với con người.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-duoc-danh-gia-cao-ve-no-luc-phong-chong-khang-thuoc/678933.vnp)

.
.
.