Nói không với lựa chọn giới tính khi sinh
Dù pháp luật về dân số nghiêm cấm hành vi siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi, song dường như vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh (LCGTKS) vẫn diễn ra, bất chấp các quy định của pháp luật.
HỆ LỤY CỦA LCGTKS
Với sự phát triển mạnh mẽ của các kỹ thuật trong ngành Y tế, việc siêu âm, xét nghiệm để biết trước giới tính thai nhi ngày càng trở nên dễ dàng hơn, sớm hơn. Thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho thấy, có khoảng 82% - 85% phụ nữ mang thai vẫn biết trước giới tính con mình trước khi sinh.
Không phân biệt giới tính khi sinh để mọi trẻ em gái, trai sinh ra đều bình đẳng như nhau. |
Không ít bậc cha mẹ đã quyết định bỏ thai là bé gái để chờ cơ hội sinh bé trai, đặc biệt là các trường hợp đã sinh con đầu là gái. Điều này dẫn đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2019 nước ta có tỷ số giới tính khi sinh là 111,5 bé trai/100 bé gái. Còn ở Tiền Giang, tỷ số này là 108,88 bé trai/100 bé gái. Tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, việc LCGTKS gây ra nhiều hệ lụy cho cả sức khỏe các cặp vợ chồng và cả xã hội. Trước hết, hành vi này bị nghiêm cấm, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cùng với đó sẽ dẫn đến vấn nạn phá thai gia tăng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người phụ nữ; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và bất bình đẳng giới tăng cao. Hơn nữa, việc lạm dụng công nghệ khoa học can thiệp vào lựa chọn giới tính thai nhi có thể dẫn đến tình trạng vô sinh thứ phát hoặc trẻ sinh ra bị khuyết tật, dị dạng.
LCGTKS LÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT
Thực tế, hơn 90% thai phụ biết giới tính của con trước khi sinh, trong khi Pháp lệnh Dân số Việt Nam quy định cụ thể các hành vi liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi, trong đó có tiết lộ giới tính thai nhi sẽ bị xử lý. Theo đó, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã nêu rõ về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; nghiêm cấm các hành vi tuyên truyền, phổ biến hoặc đưa ra những nội dung thông tin có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có ảnh hưởng xấu đến công tác dân số và đời sống xã hội. Do đó, trong các cuộc tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình, cán bộ dân số luôn lồng ghép nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy của nó.
Mới đây nhất, Nghị định 117 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Chính phủ vừa ban hành ngày 28-9-2020, có hiệu lực từ ngày 15-11. Nếu cơ sở y tế tiết lộ, cung cấp thông tin giới tính thai nhi sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động từ 1 - 3 tháng; phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với người ép người khác phải mang thai; phạt từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng người có hành vi, lời nói xúc phạm người sinh con một bề…
Nghị định 117 quy định chi tiết các hành vi bị xử phạt trong 7 Điều với rất nhiều nội dung, từ vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến thông tin về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến hành vi tiết lộ, lựa chọn giới tính thai nhi, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình đến vi phạm về phương tiện tránh thai… Mức phạt thấp nhất trong lĩnh vực dân số là 200 ngàn đồng, cao nhất là 30 triệu đồng, kèm thêm hình thức xử phạt bổ sung bao gồm tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 3 - 12 tháng. Cũng trong Nghị định 117 quy định rất nhiều hành vi vi phạm trong lựa chọn giới tính thai nhi. Đơn cử, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi.
Tuy nhiên thực tế thanh tra, kiểm tra thời gian qua cho thấy, rất ít cơ sở y tế công khai chẩn đoán giới tính thai nhi; rất khó phát hiện những trường hợp chẩn đoán giới tính thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. Một số ý kiến cho rằng, nhu cầu sớm biết giới tính thai nhi của các bà mẹ là bình thường và chính đáng, vấn đề cần quan tâm là các bà mẹ suy nghĩ và hành động như thế nào khi biết sớm giới tính thai nhi, chứ không phải bà mẹ nào muốn biết sớm cũng nhằm mục đích lựa chọn giới tính của con. Quy định của pháp luật chỉ cấm chẩn đoán giới tính thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. Pháp luật cũng quy định, phá thai là quyền của phụ nữ, không quy định điều kiện phá thai (trừ có chống chỉ định về y tế), nên rất khó xác định các trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính...
P. NGHI