Thứ Sáu, 11/12/2020, 09:52 (GMT+7)
.

Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ

Những năm gần đây, chứng bệnh đột quỵ xảy ra ngày càng nhiều. Đột quỵ đã cướp đi sinh mạng và cuộc sống bình thường của nhiều người. Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ.

ĐỘT QUỴ LÀ GÌ ?

Đột quỵ là biểu hiện của tai biến mạch máu não. Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn (đột quỵ do thiếu máu cục bộ) hoặc bị vỡ (đột quỵ do xuất huyết). Ngày nay, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ tư trên thế giới và cũng là nguyên nhân chính gây tàn tật. Những người trên 55 tuổi có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn và càng lớn tuổi thì nguy cơ bị đột quỵ càng cao. Nam giới, nhất là ở những nam giới bị tiểu đường hay bệnh tim có nguy cơ bị đột quỵ nhiều nhất.

Bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh.
Bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang, kết quả nghiên cứu gần đây của các chuyên gia y khoa hàng đầu Việt Nam cho thấy, gần 60% nguyên nhân gây đột quỵ là do tăng huyết áp. Đột quỵ có 2 dạng cơ bản: Nhồi máu não (chiếm 80%) và chảy máu não (chiếm 20%), với các mức độ rất khác nhau, từ  rất nhẹ (tự hồi phục, không di chứng) đến rất nặng (đe dọa tính mạng hoặc tử vong ngay). Tuy xuất huyết não ít xuất hiện hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn và các bệnh nhân còn sống sót thì bị di chứng sa sút trí tuệ cũng như di chứng liệt nửa người rất nặng nề.

Người bị đột quỵ có thể có một số hay tất cả các dấu hiệu như: Bất ngờ có cảm giác tê liệt hoặc yếu ớt ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên của cơ thể; đột ngột bị lẫn lộn, gặp vấn đề trong việc nói và hiểu, về thị lực ở một hoặc cả hai mắt, trong việc đi lại, mất thăng bằng hay mất khả năng kiểm soát sự di chuyển của cơ thể; đau đầu dữ dội và đột ngột mà không rõ nguyên nhân. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào, hãy gọi cấp cứu y tế gần nhất ngay lập tức. Điều quan trọng là phải đến bệnh viện ngay.

TĂNG HUYẾT ÁP LÀ THỦ PHẠM HÀNG ĐẦU

Tăng huyết áp làm tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch, làm cho thành mạch bị dãn dần ra và xuất hiện những tổn thương. Những tổn thương này xuất hiện ngày càng tăng ở các mạch máu não, nếu áp lực dòng máu đột ngột tăng cao có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra, gây xuất huyết não. Nếu bị những tổn thương nhỏ, hệ thống tiểu cầu và các sợi fibrin sẽ vá lại vết thương và hình thành các cục máu đông, cộng thêm tình trạng rối loạn mỡ máu, thừa cholesterol thường gặp ở những người cao huyết áp làm cho thành mạch bị dày lên, lâu dần dẫn đến bít tắc các mạch máu.

Tình trạng vỡ hay bít tắc các mạch máu não đều làm ngừng trệ việc cung cấp máu, gây ra thiếu máu cục bộ tại não và xuất hiện những triệu chứng lâm sàng mà người ta gọi là đột quỵ. Thông thường, bệnh mạch máu não hình thành và phát triển một thời gian trước khi gây đột quỵ não. Bệnh có thể có triệu chứng báo trước, nhưng cũng có thể không có triệu chứng gì cho đến khi đột quỵ xảy ra. Nếu được phát hiện bệnh trước khi đột quỵ, bệnh nhân có thể sẽ được tư vấn điều trị để hạn chế nguy cơ bị đột quỵ.

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang tiếp nhận điều trị khoảng 2.000 bệnh nhân đột quỵ, trong đó trên 20% trường hợp bệnh nhân tử vong, trên 50% bệnh nhân còn lại mắc các di chứng nặng nề như liệt nửa người, sống đời sống thực vật… Giáo sư Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng, chống cao huyết áp và tai biến mạch máu não Việt Nam cho rằng: “Điều trị đột quỵ phải mất nhiều thời gian, có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm và rất tốn kém tiền bạc nhưng hiệu quả phục hồi không cao. Vì vậy, để phòng ngừa đột quỵ phải quản lý và điều trị tốt bệnh tăng huyết áp. Nếu quản lý và điều trị dự phòng tăng huyết áp tốt thì đột quỵ sẽ giảm”.

THỦY HÀ

.
.
.