.

Duy trì chiến thuật "Giữ chặt bên trong, ngăn dịch bên ngoài"

Cập nhật: 20:47, 07/01/2021 (GMT+7)

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. (Ảnh: VGP)

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục duy trì chiến thuật chống dịch là giữ thật chặt bên trong, ngăn dịch bên ngoài trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới.

Duy trì chiến thuật chống dịch Covid-19

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 7-1, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 7-1, Việt Nam có 37 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 1.505 ca mắc Covid-19, trong đó 693 ca lây nhiễm trong nước, 553 ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay.

Liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2, tính đến ngày 5-1, thế giới đã ghi nhận 38 quốc gia có biến thể mới của virus, trong đó 12 quốc gia có lây nhiễm ra cộng đồng. Hiện có 70 quốc gia đưa ra lệnh hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyên bay đến và đi từ Anh và các quốc gia ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn biến thể mới lây lan.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định tình hình hình dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, ở trong nước vào thời điểm cuối năm, sắp đến Tết Nguyên đán, chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn… vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có những chỉ thị về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Thường trực Ban Chỉ đạo đã họp bàn và  thống nhất mặc dù các nhà khoa học đang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nhưng về cơ bản chúng ta không thay đổi chiến thuật chống dịch là giữ thật chặt bên trong, ngăn dịch bên ngoài.

PGS, TS Trần Đắc Phu nhận định nguồn lây nhiễm hiện nay của các nước chủ yếu là do không kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly không nghiêm, phong toả không chặt. Do vậy, ở trong nước, từng bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá và cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).

Bên ngoài, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, chính quyền cơ sở, lực lượng công an cần nắm sát địa bàn, từng gia đình có người thân đang ở nước ngoài, nhất là những nơi có thể đi đường bộ về Việt Nam. Những gia đình này phải được vận động liên lạc với người thân ở nước ngoài không nhập cảnh bất hợp pháp và nếu có nhu cầu nhập cảnh thì phải theo đường hợp pháp, thực hiện nghiêm túc các quy định cách ly tập trung.

Qua phản ánh của một số địa phương về hoàn cảnh rất khó khăn, không đủ khả năng chi trả chi phí cách ly tập trung, Thường trục Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ. Trước mắt, các địa phương có khu cách ly tập trung chủ động bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ các đối tượng thực sự khó khăn.

Về các chuyến bay giải cứu, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu lực lượng quân đội, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao rà soát lại năng lực các khu cách ly tập trung, thực hiện đúng chỉ đạo Thủ tướng bảo đảm cách ly thật an toàn, từng bước giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân.

Rà soát, siết lại quy trình bàn giao, tiếp nhận người cách ly

Về trường hợp BN 1498 cách ly tập trung tại Chương Mỹ (Hà Nội) được cho về nơi cư trú ở Quảng Ninh dù chưa có kết quả xét nghiệm lần thứ 2, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết sai phạm đầu tiên thuộc về Trung tâm y tế dự phòng Chương Mỹ.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh chưa hoàn thành trách nhiệm khi để BN1498 di chuyển về Quảng Ninh bằng xe riêng của gia đình. Bản thân BN1498 đã không thực hiện đầy đủ quy định cách ly, giám sát y tế tại nhà sau khi hoàn thành cách ly tập trung khi ra ngoài ăn tối cùng người nhà.

Do vậy, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế, các khu cách ly tập trung, các địa phương phải nghiêm túc rà soát lại, chấn chỉnh, siết lại việc bàn giao, tiếp nhận người hết thời hạn cách ly tập trung và về theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú. Nguyên tắc là khi địa phương tiếp nhận người hết thời hạn cách ly tập trung phải có đầy đủ điều kiện, giấy tờ, kết quả xét nghiệm.

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các địa phương phải tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh những nơi có dấu hiệu lơi lỏng trong thực hiện theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú đối với người hoàn thành cách ly tập trung trong vòng ít nhất 14 ngày.

Hệ thống Thông tin khai báo y tế của Bộ Y tế phải tăng cường cập nhật liên tục về tất cả những người Việt Nam từ lúc bắt đầu đăng ký về nước đến khi nhập cảnh, thực hiện cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú.

Đối với một số trường hợp cá biệt sau khi nhập cảnh hơn 14 ngày, qua xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện mắc Covid-19, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu phải rà soát đánh giá kỹ lại toàn bộ quy trình, quy định trong quá trình cách ly tập trung, hạn chế tối đa lây nhiễm trong khu cách ly tập trung do quân đội quản lý cũng như các khu cách ly dân sự ở khách sạn.

Những trường hợp nghi nhiễm Covid-19, các CDC địa phương triển khai biện pháp ứng phó như đối với người đã nhiễm bệnh, nhưng cũng cần thông tin rõ đây là trường hợp nghi nhiễm trước khi có kết quả xét nghiệm khẳng định cuối cùng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tất cả các quy định phòng, chống dịch đều đã có nhưng có lúc, có nơi chưa thực hiện nghiêm. Vì vậy, Bộ Y tế cần tiếp tục rà soát lại tất cả các quy trình, hướng dẫn tiếp nhận người nhập cảnh, cách ly tập trung, bàn giao người hoàn thành cách ly tập trung về theo dõi, giám sát y tế tại nhà… Nơi nào thực hiện không đúng, không đầy đủ, Bộ Y tế chính thức có văn bản kiến nghị để xử lý. Không thể vì sự lơi lỏng của một số bộ phận lực lượng chống dịch, sự thoải mái, không nhận thức đầy đủ của một số cá nhân mà gây nguy hại cho cộng đồng.

(Theo nhandan.com.vn)

 

.
.
.