Thứ Sáu, 22/01/2021, 22:32 (GMT+7)
.

Lưỡi hình trái tim, nét đẹp không mong muốn

Bé Hồ Minh Đ., 10 tuổi bị đau họng nên đến cơ sở y tế khám bệnh. Khi khám bệnh, bác sĩ bảo bé Đ. há miệng ra để khám họng thì thấy đầu lưỡi của bé không thè dài ra được, mà khuyết lại hình trái tim. Mẹ bé Đ. kể, bé sinh ra thì lưỡi đã bị hình trái tim, thấy đẹp nên không đi khám và cũng không thắc mắc gì. Tuy nhiên, giọng nói của Đ. bị ngọng ngịu, gặp rất nhiều khó khăn trong học tập, nhất là việc đọc Tiếng Anh.

Theo bác sĩ khám bệnh cho Đ. thì dị tật hình trái tim ở lưỡi của Đ. sẽ điều trị dễ dàng, chỉ cần cắt đi cọng dây thắng dưới lưỡi là có thể chữa khỏi; còn nói ngọng thì phải kiên trì tập luyện sau một thời gian mới có thể nói bình thường.

Một số người có những nét đẹp bẩm sinh do tạo hóa ban cho như môi chẻ hình trái tim, cằm chẻ hình vầng trăng khuyết là quý tướng, ai cũng ao ước được sở hữu. Nhưng lưỡi chẻ hình trái tim thì lại là nét đẹp không mong muốn. Trong chuyên môn người ta gọi là tật dính thắng lưỡi bẩm sinh ở dây thắng lưỡi. Thắng lưỡi là lớp màng niêm mạc mỏng ở dưới bụng của lưỡi, nhìn như một sợi dây màu trắng hồng hình tam giác.

Ai cũng có thắng lưỡi, nó có vai trò quan trọng trong vận động của lưỡi, định hướng di chuyển của lưỡi theo ý muốn. Thắng lưỡi góp phần hoàn chỉnh khả năng phát âm, bú, nuốt của bé. Một thắng lưỡi bình thường là có độ dài phù hợp và điểm bám đúng chỗ. Nếu thắng lưới bám gần đầu lưỡi và ngắn sẽ làm cử động bình thường của lưỡi bị cản trở.

Theo thống kê, có khoảng 4% - 5% ở trẻ sơ sinh bị tật này. Nguyên nhân dính thắng lưỡi do yếu tố di truyền theo thể lặn. Các phân tích phân tử cho thấy, đột biến điểm trên gen TBX22, gen này gây bệnh hở hàm ếch và dính thắng lưỡi. Hiện tượng dính thắng lưỡi xảy ra lúc bé còn bào thai, mô mềm vùng dưới lưỡi bị phồng rộp rồi tách ra, sau đó liền thành sẹo, sẹo này kéo lưỡi xuống sàn lưỡi, khiến lưỡi không được tự do trong khoang miệng. Bé trai bị tật dính thắng lưỡi nhiều hơn bé gái.

Những tháng đầu sau sinh, bé có thể được phát hiện có thể bị dính thắng lưỡi hay không là qua hiện tượng bé khó bú, khó nuốt, đầu lưỡi hình trái tim khi bé thè lưỡi ra ngoài. Khi phát hiện các hiện tượng, biểu hiện này cần đưa bé đến bác sĩ răng hàm mặt để khám và mổ cắt thắng lưỡi.

Thời điểm cắt thắng lưỡi phù hợp và an toàn nhất là khi bé từ 3 - 4 tháng tuổi. Những trường hợp thắng lưỡi dày hoặc quá ngắn và ở những ca phát hiện muộn, thường là sau 3 tuổi như trường hợp của bé Đ. 10 tuổi là quá muộn, nhưng vẫn mổ được. Tuy nhiên, trẻ càng lớn tuổi thì càng có nhiều biến chứng, do thắng lưỡi để lâu sẽ có mạch máu phát triển, khi cắt thắng lưỡi sẽ đau, nhiễm trùng, chảy máu khó cầm.        

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.