Thứ Ba, 23/02/2021, 21:03 (GMT+7)
.

Bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine bình đẳng trên thế giới

Ngày 22/2, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Nghị viện châu Âu nỗ lực đưa ra một kế hoạch tiêm chủng toàn cầu để bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine bình đẳng trên toàn thế giới.

a
 Ảnh minh họa: NYT

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến diễn ra cùng ngày, người đứng đầu Liên hợp quốc đã chỉ ra một thực trạng được ông nhìn nhận là không chỉ bất công mà còn nguy hiểm, rằng cho tới nay, 75% lượng tiêm chủng vaccine toàn cầu thuộc về chỉ vẻn vẹn 10 quốc gia trên thế giới.

Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha cho rằng đây là điều “không thể chấp nhận được”, từ đó nhấn mạnh tới tính cần thiết của việc đưa ra một kế hoạch tiêm chủng trên phạm vi toàn cầu.

“Tôi kêu gọi việc thiết lập một kế hoạch tiêm chủng toàn cầu để tập hợp tất cả những người có năng lực, chuyên môn khoa học, năng lực sản xuất và tài chính cần thiết để bảo đảm rằng mọi người đều có thể tiếp cận vaccine… Chỉ có bằng cách đó, chúng ta mới có thể đánh bại COVID-19 và xây dựng những xã hội, nền kinh tế có khả năng chống chọi tốt hơn” – ông Guterres nói.

Đây không phải lần đầu tiên người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi những nỗ lực để bảo đảm việc phân bổ vaccine đồng đều trên thế giới. Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, diễn đàn an ninh hằng năm lớn nhất thế giới diễn ra tại Đức vào cuối tuần trước, ông Guterres đã lên tiếng kêu gọi Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) thành lập một lực lượng đặc nhiệm khẩn cấp để thực hiện kế hoạch tiêm chủng COVID -19 toàn cầu, nhằm bảo đảm rằng những nước với khả năng tài chính khiêm tốn hơn cũng được tiếp cận với vaccine, bên cạnh vai trò tương tự của sáng kiến COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp báo diễn ra ngày 22/2, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảnh báo rằng, các thỏa thuận giữa các nước thu nhập cao và các hãng phân phối vaccine đang làm lu mờ sáng kiến COVAX bằng việc giảm số lượng vaccine mà sáng kiến của WHO có thể mua được.

“Quan trọng là chúng ta cần phải lưu tâm rằng, tiền không phải là thách thức duy nhất mà chúng ta phải đối mặt. Nếu không có vaccine để mua thì tiền cũng chẳng đóng vai trò gì cả” – ông Ghebreyesus nói.

Từ lập luận trên, người đứng đầu WHO kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới, gồm cả các nước thu nhập cao, cần ngay lập tức chia sẻ vaccine. Ông cũng kêu gọi các hãng phân phối vaccine ưu tiên thực hiện hợp đồng với COVAX và nhanh chóng tăng tốc sản xuất vaccine.

Kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 đã nhanh chóng phủ bóng đen lên mọi ngõ ngách của trái đất, khiến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị đóng băng và tác động đến mọi mặt đời sống con người. Thế giới đang trong một cuộc “chạy đua” điều chế, phân phối và sở hữu vaccine – vốn được xem là một phương pháp hữu hiệu đẩy lùi bệnh dịch.

Theo số liệu do WHO vừa công bố, hiện đang có 251 ứng cử viên vaccine COVID-19 đang được phát triển trên toàn thế giới. Trong số này, có 70 ứng cử viên vaccine đang ở công đoạn thử nghiệm lâm sàng tại các nước gồm: Đức, Trung Quốc, Nga, Anh và Mỹ./.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.